Lần đầu tiên từ năm 2014, Hưng Yên lọt top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước

0
156

Khu công nghiệp Thăng Long II có quy mô 525,7 ha do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư là điển hình cho việc thu hút FDI của tỉnh Hưng Yên.

Khu công nghiệp Thăng Long II Hưng Yên. (Nguồn: Đất xanh miền Bắc)

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2023, tỉnh Hưng Yên đứng thứ 10 cả nước về thu hút FDI với gần 700 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ và gần bằng thu hút FDI cả năm 2022 (747 triệu USD).

Kể từ năm 2014 đến nay, đây là lần đầu tỉnh nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước.

Đến nay, tỉnh có 533 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6,7 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng số 1 về số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với 173 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4 tỷ USD, tiếp đó là Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tỉnh hiện nay có 17 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 4,4 nghìn ha. Trong đó, Khu công nghiệp Thăng Long II có quy mô 525,7 ha do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư là điển hình cho việc thu hút FDI của tỉnh.

Hiện nay, khu công nghiệp này đã tiếp nhận gần 100 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉnh còn có một số dự án vốn đầu tư lớn tại các khu công nghiệp, điển hình như: Dự án Hoya với tổng vốn 214 triệu USD; dự án của Nippon Mektron với tổng vốn 300 triệu USD, các dự án của Kyocera với tổng vốn 385 triệu USD, dự án của Toto với tổng vốn đầu tư 403 triệu USD…

Theo dự thảo Quy hoạch các tỉnh thành thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên là tỉnh có quỹ đất dự kiến cho phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước với 15.798 ha.

Đến năm 2030, tỉnh này quy hoạch 29 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 9.240 ha. Trong đó, 15 KCN đã có trong quy hoạch đến năm 2020 với diện tích 3.887 ha; quy hoạch mới 14 KCN với tổng diện tích 5.045 ha. Ngoài ra, hai KCN sẽ được mở rộng với diện tích 307,5 ha.

Dự kiến đất phát triển các khu công nghiệp được bố trí theo các trục như: Trục cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; quốc lộ 5; trục kết nối quốc lộ 5 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; đường tỉnh 387 kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; trục Tân Phúc – Võng Phan.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh như hiện nay, tỉnh Hưng Yên chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tiếp tục tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Theo đó, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch phát triển địa phương. Tỉnh đã thống nhất danh mục dự án, giao các sở chuyên ngành lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để công bố danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh đang tập trung phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, như: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here