Việt Nam-Mông Cổ ký kết bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững, đảm bảo ổn định thị trường lương thực

0
119
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun đã ký kết “Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững” . (Nguồn: Moit.gov)
Ngày 1/11, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun đã ký kết “Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun đã ký kết “Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững”. (Nguồn: Moit.gov)
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân.

Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ là cơ sở quan trọng thiết lập cơ chế để hai Bên thường xuyên trao đổi, hợp tác, một mặt tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai Bên trong quá trình giao dịch, xuất nhập khẩu gạo.

Theo Bộ Công Thương, bản ghi nhớ được ký kết nhằm thiết lập cơ chế hợp tác toàn diện đảm bảo nguồn cung lương thực và ổn định thị trường gạo ở cả hai nước. Bản ghi nhớ có ý nghĩa quan trọng triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy và đa dạng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, đồng thời góp phần củng cố và phát triển quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ.

Theo thỏa thuận, Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ định kỳ hàng năm sẽ rà soát, đưa ra nhu cầu nhập khẩu gạo của năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối với khu vực tư nhân để xuất khẩu gạo theo nhu cầu của phía Mông Cổ.

Hai bên sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình trao đổi, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gạo để triển khai bản ghi nhớ nói chung cũng như thúc đẩy trao đổi thương mại gạo giữa doanh nghiệp hai nước nói riêng.

Thống kê từ Bộ Công Thương, Mông Cổ là đối tác kinh tế – thương mại từ rất sớm của Việt Nam trong khu vực châu Á và trên thế giới. Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Mông Cổ được ký vào năm 1958.

Cùng đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Mông Cổ, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Mông Cổ năm 2022 tăng trưởng 6,5% (đạt 85,4 triệu USD) so với năm 2021.

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Mông Cổ trong những năm gần đây có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn gấp đôi, từ 41,4 triệu USD trong năm 2017 lên hơn 85 triệu USD năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 đã đạt khoảng 75 triệu USD.
Có thể thấy rằng, hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí cũng như tham gia các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, tái tạo điện gió, điện mặt trời.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Đoãn Khánh Tâm cho biết, “điều cần nhấn mạnh ở đây là các nhu cầu, thế mạnh giữa hai bên mang tính bổ sung lẫn nhau rất cao. Ví dụ: Việt Nam có thế đáp ứng nhu cầu của phía Mông Cổ các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến…
Trong khi đó, Mông Cổ lại có thế mạnh về các mặt hàng như than đá, đồng, kim loại, thịt gia súc (bò, dê, cừu), các loại thảo dược và đặc biệt là nguyên phụ liệu dệt may, da giầy… hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của phía Việt Nam.
Ví dụ thêm về tiềm năng, tài nguyên du lịch, Việt Nam có bờ biển dài, núi rừng hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp được vinh danh là di sản văn hóa và kỳ quan thế giới, gây cuốn hút với du khách Mông Cổ; còn Mông Cổ có thảo nguyên mênh mông bát ngát, đời sống văn hóa du mục đặc sắc, có sức hấp dẫn với du khách Việt Nam”.
Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here