Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%: Nhiều khả năng “lỗi hẹn”

0
73
(minh họa)
(minh họa)

Thị trường toàn cầu giảm mua hàng hóa

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 272,8 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Lúc này, xu hướng thị trường đang có những chuyển biến tích cực hơn, khi Chỉ số Quản trị mua hàng của thị trường Mỹ và Trung Quốc đều trên 50 điểm; lạm phát tháng 9 tại EU giảm 4,3%; thị trường xuất khẩu cũng “ấm” lên, nhưng phần lớn doanh nghiệp dệt may cho biết, dây chuyền sản xuất trong nhà máy vẫn “non tải” (chạy dưới công suất).

Khi công nhân tại các nhà máy chưa phải tăng ca, cũng có nghĩa là đơn hàng chưa về nhiều, khả năng xuất khẩu mang về doanh số lớn hơn khó khả thi. Đó là nguyên nhân 9 tháng đi qua, nhưng doanh thu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chỉ đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch.

Tổng giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu phân trần: “Doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất, kinh doanh… Đơn hàng giảm số lượng, nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023”.

Đến thời điểm này, xuất khẩu toàn ngành dệt may giảm 13,6 % so với cùng kỳ năm 2022 (giảm gần 4 tỷ USD).

Các ngành đóng góp lớn cho xuất khẩu cũng trong tình trạng tương tự: giày dép giảm trên 18%, (giảm 3,47 tỷ USD); điện thoại giảm 6,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị phụ tùng giảm 3,36 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết 9 tháng/2023, có tới 6 nhóm hàng xuất khẩu giảm trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022, gồm: điện thoại, máy móc – thiết bị – phụ tùng, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản. Tổng kim ngạch của 6 nhóm hàng này sụt giảm tới 21,5 tỷ USD.

Mặc dù tổng thể, trong quý III, kim ngạch xuất khẩu có bước cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm, đạt 94,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với quý II, nhưng vẫn giảm 1,2% so với cùng kỳ 2022. Con số này cho thấy, xuất khẩu vẫn rất khó do cầu hàng hóa toàn cầu ở mức thấp. Điều này đồng nghĩa, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay đang đối diện với khả năng cao là “lỗi hẹn”.

Với tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 15/10 đạt xấp xỉ 273 tỷ USD, để về đích bằng kết quả năm ngoái (371,3 tỷ USD), trong thời gian còn lại của năm, xuất khẩu phải đạt 98,3 tỷ USD. Đây là con số không tưởng, bởi từ đầu năm đến nay, tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là tháng 8/2023 với 32,37 tỷ USD, nhưng ngay tháng 9 tụt xuống 31,41 tỷ USD, còn các tháng trước đó, xuất khẩu đều dưới 30 tỷ USD.

Theo ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, sự sụt giảm của xuất khẩu và sản xuất trước nhu cầu của thế giới với các sản phẩm “made in Vietnam” là yếu tố tác động không tích cực đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm gần 10% so với cùng kỳ, do xuất khẩu sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, giảm gần 20%. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản  cũng giảm.

Chờ tổng cầu hồi phục vào năm 2024

Nhận diện thị trường năm 2024, các tổ chức và doanh nghiệp đều cho rằng, khó khăn vẫn bao trùm, suy giảm kinh tế chưa chấm dứt, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ các quốc gia xuất khẩu tiếp tục là những yếu tố bất lợi với các ngành hàng xuất khẩu trong nước.

Với ngành dệt may, Vinatex nhận định, cầu hàng hóa dệt may năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện hơn 2023, nhưng  mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu năm 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 khoảng 5 – 7%, đi kèm là sự gia tăng các yêu cầu về sản phẩm bền vững.

Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Phan Thị Thắng thừa nhận: “Xuất khẩu vẫn khó, bởi kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ mới, với đầy rủi ro, thách thức; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu, châu Mỹ – những đối tác thương mại lớn của Việt Nam”.

(Thế Hoàng)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here