Tận dụng UKVFTA, tăng cơ hội xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Anh

0
115
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản vào Anh lớn nhất xét ngoài khối EU, với sản phẩm chủ yếu là tôm.

Theo ghi nhận thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu thủy sản của Anh trong năm 2022 đạt trên 5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Anh, chiếm 7,1%.

Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản vào Anh lớn nhất xét ngoài khối EU, với sản phẩm chủ yếu là tôm.

Theo thông tin tại ấn phẩm Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản của Bộ Công Thương, thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Anh hiện nay là Na Uy với 497 triệu Bảng trị giá nhập khẩu trong năm 2021, chiếm 15,6%; 1/4 trị giá nguồn cung thủy sản còn lại đến từ các quốc gia khu vực EU với 794 triệu Bảng, tương đương khoảng 965 triệu USD năm 2021.

Xu hướng tăng nhập khẩu thủy sản từ các thị trường bên ngoài EU bắt đầu từ khoảng cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi Brexit kết thúc và dịch Covid-19 tác động mạnh, khiến trị giá nhập khẩu thủy sản của quốc gia này từ các thị trường khối EU giảm 58%.

Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản vào Anh lớn nhất xét ngoài khối EU, với sản phẩm chủ yếu là tôm. Theo Cục Xúc nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) (từ tháng 1/2021 đến hết tháng 12/2021), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt hơn 316 triệu USD, chiếm gần 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020. Anh là thị trường lớn thứ 5 của thủy sản Việt Nam trong năm 2021 tính về thị trường đơn lẻ.

Sang đến năm thứ 2 thực thi Hiệp định, tính đến hết tháng 11 năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đã đạt gần 5,63 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tôm, cá tra, cá ngừ và mực là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam tới Anh.

Trong bối cảnh lạm phát tại Anh liên tục tăng, các hộ gia đình phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 cũng như chiến sự Nga – Ukraine. Trước thực tế đó, xu hướng tiêu thụ và nhập khẩu thuỷ sản ở thị trường được dự báo sẽ bị tác động giảm trong thời gian tới và nhu cầu có thể vẫn tập trung nhiều hơn vào phân khúc thủy sản giá vừa phải hoặc thấp.

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng Anh nghiêng về các sản phẩm thực phẩm giá rẻ hơn, các sản phẩm cá thịt trắng được ưa chuộng, dư địa cho cá tra xuất khẩu sang thị trường này sẽ rộng mở, đặc biệt với lợi thế thuế quan nhập khẩu theo UKVFTA. Tương tự như các thị trường khác tại EU, người tiêu dùng tại Anh cũng có xu hướng chú trọng tới không chỉ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm tới các yêu tố về lao động, môi trường, hay tính bền vững của chuỗi giá trị trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Các yếu tố cơ bản khác như giá cả, cách thức chế biến và tính tương đồng trong bữa ăn, địa điểm sử dụng, cũng vẫn được quan tâm.

Ngoài ra, dự báo các chương trình thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong nước của Anh và chương trình đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu của Ireland có thể tăng mức độ cạnh tranh của ngành hàng.

Trước tình hình đó, để xuất khẩu thủy sản sang thị trường Anh, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, các quy định chính sách của Anh, cùng các cam kết liên quan trong Hiệp định UKVFTA để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường Anh.

Hồng Châu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here