Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) là các phụ phẩm từ nông nghiệp. Phụ phẩm từ cá tra, tôm, lúa và trái cây có thể tái tạo. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các nhà đầu tư khai thác lĩnh vực phụ phẩm nông nghiệp.
ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng của cả nước. Nông nghiệp vùng ĐBSCL đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. ĐBSCL cũng là vùng đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây, đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước(4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu.
Sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là trái cây, lúa gạo và thủy sản. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL.
Ngày 30/10, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023, nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của vùng. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của vùng ĐBSCL, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế số.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, một số chính sách tiêu biểu bao gồm: Chính sách về đất đai, chính sách về tín dụng, chính sách về khoa học công nghệ, chính sách về thuế… đã góp phần rất lớn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả vùng.
Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc; trình độ sản xuất của nông dân, năng suất lao động thấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá thành sản phẩm nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long còn cao, chưa thật sự cạnh tranh được với sản phẩm nông nghiệp của các nước trong khu vực. Hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bình quân người lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp bằng khoảng 1/5 so với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác. Theo ý kiến của một số đại biểu tham dự hội nghị, để thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng; khai thác tốt các nguồn phụ phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao cho các chuỗi ngành hàng theo hướng tăng cường liên kết giữa các bên có liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện nay vùng vẫn còn dư địa lớn ở lĩnh vực nuôi biển và dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp cần doanh nghiệp xem xét khai thác đầu tư.
“Đầu tư vào dịch vụ phục ngành nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành cho chuỗi sản xuất, chăn nuôi”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất.
Bộ cũng mời gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào logistics nông sản. Hiện nay, dịch vụ logistics phục vụ cho ngành nông nghiệp tập trung vào đối tượng nuôi, còn dịch vụ cung cấp chưa được đầu tư căn bản. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050”; trong đó tập trung vào 3 trung tâm logistics lớn: trung tâm logistics ở vùng nguyên liệu đảm bảo kho chứa hàng, nguyên liệu, dịch vụ tư vấn kỹ thuật giúp người nông dân; trung tâm logistics ở các thành phố lớn vừa làm chức năng chế biến sâu, vừa đảm bảo xuất khẩu; trung tâm logistics ở các cửa khẩu, phục vụ chủ yếu trữ hàng để xuất khẩu.
Những dịch vụ từ các trung tâm logistics được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng sẽ giảm chi phí sản xuất, tăng thu cho doanh nghiệp và nông dân. Cần Thơ là địa phương sẽ xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, nhằm tạo tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư thực sự hiệu quả vào Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ sẽ khuyến khích hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Qua đó góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ thu hút các dự án đầu tư chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến sâu đối với sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin; là nơi để tập trung bảo quản chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của vùng…
Nhằm thu hút nhà đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm các loại thuế, tiền thuê đất…
Tại hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng quan tâm thảo luận các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của vùng ĐBSCL.
Ở góc độ nhà đầu tư Australia có mối quan hệ chặt chẽ với ĐBSCL, Hiệp hội Doanh nghiệp Australia khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL. Nhà đầu tư Australia nhận thấy nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng lớn tại vùng ĐBSCL vì vậy sẽ tiếp tục tìm hiểu đầu tư vào vùng trong thời gian tới.
Ông David Whitehead – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam mong chính quyền các địa phương tìm hiểu rõ nhu cầu và tôn trọng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Các tỉnh, thành nên hướng dẫn rõ ràng về quy trình xin giấy phép đầu tư, giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác; thời gian chi tiết để xây dựng quy trình và lập kế hoạch đầu tư; đầu mối liên hệ để giải quyết vấn đề đầu tư từ nước ngoài; giảm thiểu sự chậm trễ trong giải quyết công việc.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề góp ý, để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn hơn và hỗ trợ các doanh nghiệp thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ liên quan và các địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án mời đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt, đặc thù có tính chất dài hạn.
Để lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về định hướng của Bộ trong xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nông dân thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ngành chuyển hướng đầu tư nâng cao giá trị, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế số
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong ngành nông nghiệp; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050; Đề án kinh tế trang trại… Các đề án này đều liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số.
Vì thế, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương, doanh nghiệp nên quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, đặc biệt đào tạo nông dân thành nông dân chuyên nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo tham gia thị trường quốc tế.
Bộ cũng mong muốn doanh nghiệp chung tay cùng nhà nước xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp; đầu tư sản xuất chế biến nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng theo hướng tuần hoàn, kinh tế xanh. Doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm có giá trị, tạo mối quan hệ, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân.
Thu Hiền