Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này. Thị trường tài chính đang đặt cược gần như chắc chắn rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho dù lạm phát ở Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu.
Trong một bài phát biểu vào cuối tháng 9, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng “lạm phát vẫn còn quá cao” – để ngỏ cánh cửa tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Tuy nhiên, trước khi bước vào cuộc họp này của Fed, giới đầu cơ trên thị trường lãi suất tương lai ở Mỹ đang phản ánh khả năng gần 100% Fed không thay đổi lãi suất trong lần họp này. Cuộc họp cuối cùng trong năm 2023 của Fed sẽ diễn ra vào tháng 12.
Fed đã tăng lãi suất 11 lần kể từ khi khởi động chiến dịch chống lạm phát này vào tháng 3 năm ngoái, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm – đánh dấu chu kỳ thắt chặt quyết liệt nhất của Fed kể từ đầu năm niên 1980. Tuy nhiên, cả các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed và giới chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm rằng lãi suất sẽ phải giữ cao hơn lâu hơn, ngay cả khi lãi suất không tăng thêm nữa.
Lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) – lãi suất điều hành của Fed – đang ở mức 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 22 năm. Đây là lãi suất áp dụng cho các khoản vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, nhưng có ảnh hưởng lớn đến lãi suất của các khoản vay tiêu dùng và qua đó tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Theo hãng tin CNBC, chủ yếu do lãi suất quỹ liên bang tăng cao, lãi suất vay thẻ tín dụng ở Mỹ hiện đã vượt mức 20%/năm, cao nhất mọi thời đại. Lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm ở nước này đã lên tới 8%, cao nhất 23 năm. Lãi suất các khoản vay mua ô tô mới kỳ hạn 5 năm đã vượt 7,6%, cao nhất 16 năm. Lãi suất các khoản vay ăn học của sinh viên đang là 5,5%, tăng từ mức 3,7% của năm học 2021-2022.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số PCE lõi tăng 3,7% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này có giảm so với mức tăng 3,8% ghi nhận trong tháng 8 nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đề ra. Tiêu dùng cá nhân của người Mỹ tăng 0,7% trong tháng 9 so với tháng 8, cao hơn mức dự báo tăng mà các nhà kinh tế học đưa ra.
“Nhìn chung, tiêu dùng vẫn tăng trưởng và lạm phát có chậm lại – một sự kết hợp được các nhà hoạch định chính sách chào đón. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong thời gian tới và áp lực tăng giá sẽ dịu dần đi, và điều đó sẽ giữ Fed ‘án binh bất động’ trong thời gian còn lại của năm 2023”, một báo cáo của công ty phân tích High Frequency Economics nhận định.
Giới đầu cơ đang đặt cược Fed sẽ có đợt cát giảm lãi suất đầu tiên sau chu kỳ tăng này vào tháng 6/2024 và tổng mức cắt giảm lãi suất của cả năm tới là 1,65 điểm phần trăm.
Phản ánh kỳ vọng lãi suất cao hơn lâu hơn này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 30 điểm cơ bản trong tháng 10 này, hiện đang ở mức 4,87%. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 16 năm ở mức 5,021%.
Lợi suất trái phiếu tăng cao khiến điều kiện tài chính thắt chặt hơn, đồng nghĩa “làm hộ” một phần công việc chống lạm phát của Fed. Điều này củng cố khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần này.
“Dường như Fed đã đi đến quan điểm rằng sự thắt chặt điều kiện tài chính gần đây do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng lên đã khiến cho việc tăng lãi suất thêm một lần nữa là không cần thiết”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
(Bình Minh/vneconomy)