Báo chí nước ngoài viết về quan hệ kinh tế Việt Nam-Thái Lan, tầm nhìn chung hướng tới sự thịnh vượng

0
50
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara trong cuộc gặp ngày 25/10, tại Hà Nội. (Nguồn: VGP)

“Tấm thảm” kinh tế Đông Nam Á mới dệt thêm một sợi chỉ. Đây là sợi chỉ kết nối Việt Nam-Thái Lan trong cam kết chung nhằm thúc đẩy thương mại song phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara trong cuộc gặp ngày 25/10, tại Hà Nội. (Nguồn: VGP)

Theo trang bangkokpost.com (Thái Lan) ngày 26/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trước khi kết thúc chuyến công du hai ngày tới Việt Nam. Hai bên đã thảo luận về khả năng khôi phục cơ chế tham vấn lãnh sự nhằm thúc đẩy đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam bắt đầu từ ngày 25/10 là chuyến công du chính thức đầu tiên của ông Parnpree sau khi trở thành Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan trong năm 2023. Đây cũng được coi là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ Thái Lan nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Việt Nam.

Cuộc thảo luận của ông Parnpree nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao và tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và du lịch. Hợp tác khu vực, đặc biệt là trong khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, cũng được hai bên thảo luận.

Trong khi đó, theo trang bnn.network (Hong Kong – Trung Quốc) ngày 27/10, “tấm thảm” kinh tế Đông Nam Á mới dệt thêm một sợi chỉ. Đây là sợi chỉ kết nối Việt Nam với Thái Lan trong cam kết chung nhằm thúc đẩy thương mại song phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Thái Lan vừa đạt được một thỏa thuận nhằm tăng cường thương mại song phương, đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mục tiêu 25 tỷ USD. Đây là minh chứng cho tầm nhìn chung của hai nước về sự thịnh vượng kinh tế nhờ giảm rào cản thương mại và mở cửa thị trường cho hàng hóa của mỗi nước.

Thỏa thuận nói trên không chỉ đơn thuần là những con số trên bảng cân đối kế toán mà là một lộ trình rõ ràng hướng tới hội nhập kinh tế. Đây này là chỉ dấu để hai nước phát triển các tuyến vận tải đường bộ, đường biển và tăng cường các chuyến bay kết nối hai nước, ghi nhận tầm quan trọng của việc kết nối vận tải trong việc định hình lộ trình hợp tác kinh tế.

Ngoài thương mại, hai Bộ trưởng còn nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy hai nước đều nhận thức rằng quan hệ kinh tế không tồn tại một cách đơn lẻ.

Hai bên tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia. Điều này phản ánh sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, vốn là nền tảng cho mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Thỏa thuận nhằm tăng cường thương mại nói trên diễn ra vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2024. Quỹ đạo tăng trưởng mạnh nhờ mức tăng trưởng GDP 4,24% trong 9 tháng đầu năm 2023. Đây là minh chứng cho khả năng phục hồi và tham vọng của Việt Nam.

Việt Nam đã phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn và đang trở thành trung tâm trung chuyển toàn cầu tiềm năng. Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản chiếm gần 10% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và Hà Nội đặt mục tiêu tăng tỷ lệ đô thị hóa lên 75% vào năm 2030.

Những con số này vẽ lên bức tranh về một quốc gia đang trên đà tăng trưởng kinh tế, sẵn sàng hội nhập với thế giới thông qua nhiều cách thức như hiệp định thương mại với Thái Lan.

Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, Việt Nam là một thành viên tích cực. Mới đây, Việt Nam đã kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với Argentina, đăng cai tổ chức cuộc đối thoại của Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á và khuyến khích các công ty Thụy Sỹ và Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng mật hoa dừa đầu tiên sang Mỹ và đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Anh.

Những diễn biến này không chỉ nhấn mạnh sức sống kinh tế của Việt Nam mà còn khẳng định cam kết của Việt Nam về một tương lai được xây dựng dựa trên các mối quan hệ quốc tế bền chặt. Thỏa thuận tăng cường thương mại Việt Nam-Thái Lan không phải là một sự kiện riêng lẻ mà là một phần trong chiến lược bao trùm của Việt Nam nhằm hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

Tóm lại, thỏa thuận tăng cường thương mại nói trên không chỉ đơn thuần là một thỏa thuận thương mại mà đó là biểu tượng cho tầm nhìn chung của hai nước về một tương lai thịnh vượng, là minh chứng cho tầm quan trọng của hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á và là sự khẳng định sự hiện diện ngày càng lớn của Việt Nam trên toàn cầu.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here