Hưởng lợi từ EVFTA, cà phê Việt nâng cao giá trị

0
183
Doanh nghiệp cà phê Việt Nam tận dụng nhanh, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA. (Nguồn: Báo Công Thương)

Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil.

Doanh nghiệp cà phê Việt Nam tận dụng nhanh, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA. (Nguồn: Báo Công Thương)

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng đầu thế giới về năng suất trồng cà phê khi đạt 2,4 tấn/ha.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 4 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Còn trong 9 tháng năm nay, mặt hàng này giúp nước ta thu về gần 3,13 tỷ USD, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ vào những cơ hội mà Hiệp định thương mại (FTA) tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) mang đến, xuất khẩu cà phê sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 40% tổng lượng xuất khẩu trong năm 2022, đạt 1,49 tỷ USD, tăng khoảng 45% về trị giá so với năm 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, khi EVFTA được thực thi, thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê được giảm xuống đến 0%, tạo điều kiện nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam, từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư nhà máy chế biến để nâng giá trị gia tăng của cà phê.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây, Đắk Lắk đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê rất khó. Nhưng từ khi EVFTA, cả 27 nước thành viên đều công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của cà phê. Khi thực thi hiệp định, các doanh nghiệp đã tận dụng xuất khẩu được cà phê hòa tan, và giá trị xuất khẩu ngày càng tăng.

Đáng chú ý, hiện Đắk Lắk đang chuyển sang phân khúc mới, sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Trong năm qua, địa phương đã xuất khẩu cà phê chất lượng cao với giá trị gấp 2 lần cà phê bình thường, cà phê đặc sản giá trị gấp 7 lần cà phê bình thường. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng nhanh, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA.

Từ kinh nghiệm đầu tư trong ngành cà phê và tận dụng các FTA để xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều FTA, buộc doanh nghiệp phải thay đổi nhiều, từ tư duy đầu tư, sản xuất, đến quản lý để cạnh tranh với các doanh nghiệp toàn cầu vào Việt Nam lập nhà máy sản xuất.

“Chiến lược của Phúc Sinh là đầu tư mạnh vào chế biến sâu nông sản, nhất là với cà phê, hồ tiêu. Hiện doanh nghiệp này đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu gia vị để có thể làm các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan, tận dụng thuế 0% theo EVFTA. Với cách đi này, doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi khi đàm phán với nhà nhập khẩu, tỷ lệ mà Phúc Sinh bán hàng thành phẩm, bán hàng chế biến sâu sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng 3 năm gần đây”, ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here