Xu hướng “friendshoring” và những thách thức với Việt Nam

0
150
Việt Nam trở thành “điểm nóng đầu tư” nhờ xu hướng “friendshoring”(Nguồn: Zee Biz)

Nếu Việt Nam trở thành “điểm nóng đầu tư” nhờ xu hướng “friendshoring”_ hoạt động sản xuất và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia là đồng minh địa chính trị, nền kinh tế sẽ đối mặt với thách thức nào?

Việt Nam có thể trở thành “điểm nóng đầu tư” nhờ xu hướng “friendshoring”. (Nguồn: Zee Biz)

Do nhu cầu tiêu dùng ở châu Âu, châu Mỹ giảm và quy mô sản xuất đang thu hẹp, nên các nhà lãnh đạo Việt Nam lo ngại khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn mạnh.

Giám đốc một tập đoàn điện tử Đài Loan (Trung Quốc)  tại Việt Nam cho biết: “Khách hàng yêu cầu rõ là ‘đặt nhà máy tại Việt Nam’ và đe dọa sẽ ngừng đơn hàng nếu không làm theo. Làm sao chúng tôi có thể không tuân thủ được?”

Miền Bắc Việt Nam đã trở thành lựa chọn đầu tư hàng đầu cho chiến lược “Trung Quốc+1” vì vị trí địa lý gần với Trung Quốc. Các tập đoàn sản xuất điện tử đang mọc lên như nấm ở miền Bắc với tốc độ chưa từng thấy. Ngay cả tỉnh Nam Định, vốn là vùng nông nghiệp, cũng công bố quy định về đất canh tác và hoan nghênh khoản đầu tư 3,6 tỷ Đài tệ (khoảng 111 triệu USD) từ tập đoàn Quanta của Đài Loan.

Tuy nhiên, không chỉ các tập đoàn Đài Loan chuyển dịch sản xuất đến khu vực này. Tập đoàn Luxshare Precision, nhà cung cấp Trung Quốc cho tập đoàn Apple, có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam từ năm 2022. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam là tập đoàn Samsung liên tục tăng cường đầu tư.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2023 sẽ đạt mức cao nhất trong 5 năm và như vậy, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về tiếp nhận vốn FDI, chỉ sau Singapore và Indonesia. Ông Leif D. Schneider, Phó Giám đốc Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: “Cả thế giới đang tăng cường quan hệ với Việt Nam”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy ngành bán dẫn khi đến Hà Nội để nâng cấp quan hệ với Việt Nam vào tháng 9 vừa qua. Sau đó, tập đoàn bán dẫn khổng lồ Amkor của Mỹ công bố khoản đầu tư khổng lồ 1,6 tỷ USD vào Việt Nam cho một nhà máy đóng gói chất bán dẫn mới tại tỉnh Bình Phước.

Trang english.cw.com.tw của Đài Loan (Trung Quốc) nhận định, Hiện nay, tuy Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian nhưng tình hình này đang thay đổi. Các quan chức chính phủ đang có tham vọng nâng cao thương hiệu “made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam), đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nhân trẻ coi việc xây dựng thương hiệu sản xuất quốc gia của Việt Nam là nghĩa vụ yêu nước.

Tuy nhiên, chặng đường mở rộng quy mô sản xuất không hề dễ dàng. Thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng yếu kém vẫn là những rào cản lớn nhất. Bộ máy hành chính chưa thật sự “trôi chảy”, có thể kéo theo tình trạng các dự án hạ tầng bị đình trệ.

Về hạ tầng, số lượng các nhà sản xuất ở miền Bắc gia tăng mạnh mẹ đang khiến lưới điện quá tải.

Ngoài ra, điều từng được coi là lợi thế – lực lượng lao động trẻ, thì giờ lại là mối lo ngại ngày càng lớn của các tập đoàn sản xuất. Một rào cản lớn nữa là việc phân bổ lực lượng lao động không cân xứng. Trong khi 60% dân số Việt Nam sinh sống ở miền Nam thì phần lớn hoạt động sản xuất lại đổ vào miền Bắc, gây ra sự chênh lệch cung cầu lao động rõ rệt.

Một doanh nhân Hàn Quốc có 20 năm làm việc tại Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng: “Việt Nam có khát vọng lớn nhưng dường như sức mạnh kinh tế nền tảng vẫn cần phải được củng cố. Điều này khiến hành trình trở thành điểm đến thay thế Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Hơn nữa, để tận dụng được các cơ hội từ cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam phải xác định được rằng, thách thức lớn nhất phải đối mặt không phải là các thế lực bên ngoài mà là chính là những thiếu sót trong nội tại, cần nhanh chóng củng cố và vượt qua”.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here