Quảng Ninh nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI

0
111

Tính riêng 9 tháng năm 2023, Quảng Ninh đã tiếp và làm việc với trên 110 lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở rộng quy mô.

Đoàn công tác IPA Quảng Ninh làm việc, khảo sát tại nhà máy Unilever Việt Nam thuộc KCN VSIP Bắc Ninh, ngày 23/8/2023. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Để hướng tới đạt mục tiêu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn trong năm 2023, Quảng Ninh sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.

Các nhóm nhiệm vụ gồm: Tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền; sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội đối với đầu tư.

Quảng Ninh xác định chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên dự án có công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung ưu tiên phát triển các khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi sản xuất – liên kết, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Tính riêng 9 tháng năm 2023, tỉnh đã tiếp và làm việc với trên 110 lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở rộng quy mô.  Trong số đó, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiêu biểu như: BP (Vương quốc Anh), JTA (Qatar), Jinko Solar, TCL (Hong Kong – Trung Quốc), Lite-On Technology, Tera, Neotek (Đài Loan – Trung Quốc), Mitsubishi, Yaskawa Electric, Tamagawa Seiki, Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc, Công ty TNHH Kỹ thuật Đường cao tốc số 1 Trung Quốc (CFHEC)…

Cuối tháng 8/2023, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư chủ động tại một số nhà đầu tư FDI lớn đến từ các thị trường tiêu biểu, như: Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), VSIP (Singapore), Unilever Việt Nam (Vương quốc Anh), Công ty TNHH GreatStar Industrial Việt Nam, Công ty TNHH Deli Việt Nam (Trung Quốc).

Qua chương trình xúc tiến, các nhà đầu tư FDI đều quan tâm đến công tác đảm bảo các hạ tầng thiết yếu như điện, nước, viễn thông, nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt quan tâm đến các thủ tục cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, GPMB, thủ tục Visa, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, việc chính quyền hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội với cộng đồng (CSR).

Các nhà đầu tư FDI lớn cũng rất ấn tượng về những chuyển động tích cực của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI…

Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 826,54 triệu USD. Cộng với việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 36 lượt dự án, nâng tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 853,93 triệu USD, đạt trên 71,2% kế hoạch năm.

Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh đang đứng thứ 9 cả nước về thu hút FDI.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here