Tình trạng sạt lở, sụt lún, hạn hán, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề lớn, nên phải có dự án lớn, mới ngăn chặn được những tác động tiêu cực. Cần khắc phục tình trạng đi vay vốn để làm dự án nhỏ, dàn trải không hiệu quả. Các dự án phải tập trung vào 4 vấn đề chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặt, chống hạn hán…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm này khi trao đổi với các đại biểu về vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long tại phiên thảo luận tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 sáng ngày 24/10/2023.
4.000 TỶ CHO CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG KHẮC PHỤC SẠT LỞ
Tại phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn Vĩnh Long cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước) có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển.
Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị được ban hành một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, quyết tâm xây dựng và phát triển để đồng bằng sông Cửu Long thực sự trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, đặc biệt là thực trạng và tác động của hạn mặn, ngập lụt đến vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua và những dự báo trong thời gian tới.
Thực tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 cho thấy hiện tượng ngập lụt, sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Điều này đã gây thiệt hại đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản cũng tác động đến nhiều mặt đời sống của người dân, cản trở sự phát triển của cả nước nói chung và vùng nói riêng.
Theo dự báo của Viện Tài nguyên thế giới, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác.
Chính vì thế cần phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực và sớm triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua khảo sát có thể thấy Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn.
Vừa qua, Chính phủ đã có quyết định chi 4.000 tỉ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khắc phục trước mắt những vấn đề trên. Thủ tướng đề nghị các Đoàn đại biểu quốc hội giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa.
PHẢI CÓ CÁC DỰ ÁN LỚN, “XOAY CHUYỂN TÌNH THẾ”
Về lâu dài, Thủ tướng nhấn mạnh, cần có những dự án lớn, đặc biệt là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau… là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều việc cần làm cả trước mắt và lâu dài nhưng trước mắt cần khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn.
Từ tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới ảnh hưởng nặng nề ở đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ cho rằng Việt Nam phải cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất. Bên cạnh đó phải xây dựng các dự án mang tính lâu dài, với những dự án hàng tỉ USD. Đồng bằng sông Cửu Long cần chuẩn bị cho những dự án mang tính lâu dài, huy động nguồn vốn, dự án hợp tác công tư để thực hiện các dự án chống sạt lở, phải làm bài bản, hiệu quả, kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, vấn đề đồng bằng sông Cửu Long là hết sức quan trọng với phát triển ngành nông nghiệp, với công ăn việc làm, sinh kế của người dân và với sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững. Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không ất manh mún và nhỏ lẻ nữa.
Vấn đề sạt lở, sụt lún, hạn hán, ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề lớn thì phải có những dự án lớn, vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn sự tác động tiêu cực. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định, trong đó, những dự án cần triển khai chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh…
Đồng thời cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực nội tại của nhân dân, nhà nước, hợp tác công tư. Đối với những nguồn lực vay vốn quốc tế cần chú trọng hiệu quả. Liên quan đến nguồn vốn vay quốc tế hiện nay, theo Thủ tướng Chính phủ, có hai vấn đề cần khắc phục: Thủ tục phải đổi mới, cải tiến, đơn giản, thông thoáng, nhanh và kịp thời, hạn chế kéo dài gây lãng phí nguồn lực; khắc phục tình trạng đi vay vốn để làm dự án nhỏ, dàn trải, manh mún, hiệu quả thấp. Thay vì dàn trải, mạnh mún, các dự án phải tập trung vào 4 vấn đề lớn: chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặt, chống hạn hán.
“Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chứ không làm vụn vặt, manh mún, chia cắt như hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý phải thay đổi, có cách làm mới, tư duy mới, phương thức, cách tiếp cận mới giải quyết vấn đề đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Chính phủ mong Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các địa phương tăng cường giám sát thực hiện các dự án lớn hiệu quả, bàn bản hơn.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, liên quan tới vấn đề đồng bằng sông Cửu Long, rất nhiều thế hệ lãnh đạo trăn trở. Chúng ta đi từng bước chắc chắn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài đông bằng sông Cửu Long.Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề lớn khác như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông.
Thông tin thêm, Thủ tướng cho biết, hiện nay, phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có quy hoạch đường thủy để khai thác dòng sông bền vững, gắn với bến cảng. Các địa phương cần dành nguồn lực thực hiện quy hoạch; còn Trung ương tập trung triển khai các dự án liên vùng, liên tỉnh. Ngành giao thông cũng cần xác định ưu tiên để khai thác nguồn lực hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, logistics.
Về đường bộ, đồng bằng sông Cửu Long đang làm hai trục giao thông chính là trục Bắc Nam từ TP. Hồ Chí Minh qua Cần Thơ xuống Cà Mau, đang quyết liệt hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Tiếp đó là trục Đông Tây từ Sóc Trăng- Cần Thơ- Hậu Giang đến An Giang. Trên cơ sở hai trục chính này sẽ làm đường hướng tâm kết nối và đầu tư thêm đường hàng không, đường sắt, đường sắt cao tốc Bắc Nam…
Để triển khai được các dự án này, các bộ, ngành, địa phương cần phải huy động nguồn lực của cả Trung ương và địa phương để quyết tâm thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực có hạn, Trung ương sẽ lo chính sách, ngân sách Nhà nước mang tính chủ đạo để phân bổ, đầu tư phát triển, đầu tư liên kết vùng, liên kết tỉnh. Tuy nhiên, địa phương phải giải phóng mặt bằng, góp phần hỗ trợ triển khai dự án, thì mới có dự án trọng tâm, trọng điểm.