Sau hơn hai thập kỷ hợp tác mờ nhạt, quan hệ GCC-ASEAN đã sẵn sàng khởi động lại?
Sau 33 năm thiết lập quan hệ (năm 1990) và 14 năm (năm 2009) thông qua Tầm nhìn chung, đây là lần đầu tiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tổ chức Hội nghị Cấp cao. Hội nghị cấp cao diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia tuần qua là dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa ASEAN và GCC, đưa quan hệ giữa ASEAN và GCC lên tầm cao mới, vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.
Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào chính sách “hướng Đông” của GCC. Tờ Asia Times bình luận thoạt nhìn, mức trao đổi thương mại hàng hóa hàng năm giữa GCC và ASEAN đạt khoảng 110 tỷ USD dường như đã vững chắc. Sau Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), GCC là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN. Tuy nhiên, con số này còn mờ nhạt so với tiềm năng thực tế. Với tổng GDP khoảng 5.500 tỷ USD, thương mại song phương giữa GCC và ASEAN có thể tăng trưởng đáng kể khi quá trình đa dạng hóa kinh tế ở hai khu vực được đẩy nhanh.
Các nền tảng tạo đà cho sự tăng trưởng này đã được đặt ra. Các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) đã được ký kết giữa một số quốc gia thành viên và có khả năng sẽ có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai. Tóm lại, phạm vi hợp tác giữa hai bên vô cùng to lớn. Trong khi dầu mỏ vẫn là một yếu tố quan trọng trong thỏa thuận, tầm nhìn kinh tế và kế hoạch đa dạng hóa của các nước GCC còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác.
Bản ghi nhớ được ký kết gần đây về “Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu” sẽ mở ra những cơ hội thương mại mới, tăng cường các kênh cung cấp tài nguyên năng lượng và cải thiện kết nối kỹ thuật số. Tương tự, kế hoạch “Kết nối ASEAN 2025” cũng nhằm mục đích thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tính toàn diện cũng như tính cộng đồng trong và ngoài khối.
Thị trường sôi động của GCC và quan hệ ngoại giao kinh tế giữa các thành viên GCC cũng phù hợp với cơ chế của ASEAN. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ hợp tác mới giữa các quỹ đầu tư quốc gia ở cả hai khối. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó vấn đề lớn nhất có lẽ là sự bất lực lâu nay trong việc thúc đẩy một cơ chế hợp tác có ý nghĩa hơn.
Mặc dù ASEAN và GCC có các cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên vào năm 1990 nhưng phải đến năm 2009, hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên mới được tổ chức. Tầm nhìn chung ASEAN-GCC về thương mại được thông qua tại hội nghị tạo ra nhiều điều hứa hẹn, song mang lại kết quả thấp hơn mong đợi.
Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC ở Riyadh là cơ hội để xoay chuyển tình thế. Một số quốc gia GCC, đặc biệt là Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), đã bắt đầu đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác. Hai nước đều đã được mời hoặc đã tham gia các diễn đàn quốc tế, bao gồm Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới mở rộng (BRICS+).
Ngoại trưởng các nước thuộc ASEAN và GCC đã nhóm họp thường niên và với việc các nước GCC ngày càng phát triển về tầm vóc kinh tế, việc liên kết chính thức với ASEAN giờ đây thực sự khả thi. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới về ngoại giao và an ninh. Khi căng thẳng giữa các cường quốc kinh tế ngày càng trở nên sâu sắc, các nước thuộc ASEAN và GCC đều bị mắc kẹt ở giữa. Do đó, hội nghị cấp cao lần này có thể tiếp tục kết nối các động lực về kinh tế, ngoại giao và an ninh để tạo cơ hội mới cho GCC và ASEAN tham gia.
Về mặt song phương, tiến trình này đã bắt đầu diễn ra. Việt Nam sẽ là quốc gia tiếp theo sau Indonesia và Campuchia ký CEPA với UAE. Không giống như các hiệp định thương mại tự do, CEPA bao gồm các dịch vụ thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế. Một năm sau khi UAE và Ấn Độ ký kết CEPA vào năm 2022, thương mại giữa hai nước đã tăng 6,9%.
Các thỏa thuận giữa các quốc gia thậm chí có thể mở đường cho một hiệp định thương mại tự do rộng lớn hơn giữa GCC và ASEAN. Năm 2008, Singapore đã ký hiệp định thương mại tự do với Qatar, hiệp định này cuối cùng đã được mở rộng ra toàn bộ GCC. Một sự mở rộng tương tự đối với ASEAN là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, không thể đảm bảo triển vọng này có thể xảy ra trong tương lai. GCC không phải là một thực thể đồng nhất và lợi ích của các thành viên rất đa dạng, điều này khiến cho quá trình đạt được sự đồng thuận về các vấn đề kinh tế trở nên khó khăn. Những nỗ lực trước đây của EU, Mỹ và Ấn Độ nhằm ký một thỏa thuận thương mại tự do với GCC đã thất bại, trong khi FTA giữa Trung Quốc-GCC hiện vẫn đình trệ.
Dù vậy, các quốc gia đang phát triển như các nước trong ASEAN đang tìm cách khôi phục các thỏa thuận song phương và đa phương. Các quốc gia thuộc ASEAN và GCC có lợi thế cạnh tranh và điều này có thể tạo thêm động lực cho việc thúc đẩy hợp tác hướng Nam của Nhóm các nước phía Nam (Global South – gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á).
Các quốc gia GCC ưu tiên các mối quan hệ đối tác có thể góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của những nước này, đặc biệt GCC mong muốn định hình lại các tuyến đường trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhận thức được điều này, các nước ASEAN cần nỗ lực tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ mục tiêu này. Ví dụ, hai bên có thể liên kết với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc để mở rộng sự tham gia của các nước.
GCC đã thực hiện chính sách hướng Đông trong nhiều thập kỷ, tìm cách xây dựng các mối quan hệ thương mại lâu dài nhằm đa dạng hóa để tránh phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào phương Tây. Quá trình “tái toàn cầu hóa” này đang tăng tốc, và cùng với đó, các quy tắc ngoại giao kinh tế đang được viết lại. Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC ở Saudi Arabia lần này là cơ hội mới nhất để đảm bảo những quy tắc đó có lợi cho các cường quốc mới nổi ở châu Á và Trung Đông.
BOX
GCC là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực Vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman. Tổng diện tích các quốc gia thành viên là 2,67 triệu km2, dân số 56 triệu người. GCC được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Về kinh tế, với lợi thế về trữ lượng dầu lửa và khí đốt (4/6 nước GCC là thành viên OPEC, trong đó Saudi Arabia và UAE có vai trò lãnh đạo trong tổ chức này), các nước GCC có nền kinh tế rất phát triển, với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, trung bình khoảng 38.447 USD/năm.
Quang Anh