Việt Nam đẩy mạnh triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế, khẳng định chủ quyền quản lý thuế quốc gia

0
148
Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng dành cho nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng dành cho nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là bước chuyển quan trọng, khẳng định chủ quyền quản lý thuế của quốc gia đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) dựa trên nền tảng số xuyên biên giới.

Điện tử hóa, số hóa trên toàn bộ hệ thống quản lý thuế

Những năm qua cùng với việc thực thi các gói giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ngành Thuế cũng khẳng định vai trò tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho NNT.

Sau gần 2 năm từ ngày triển khai hệ thống Hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn quốc, đã có trên 851 ngàn DN và trên 65 ngàn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định; cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 5 tỷ HĐĐT.

Việc triển khai HĐĐT đã thu hút đông đảo DN công nghệ số tham gia, với 96 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT và 25 tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử ngành Thuế, mở ra một thời kỳ dịch vụ kinh tế số phát triển chưa từng có.

Đến nay, trên hệ sinh thái HĐĐT đã có 96 nhà cung cấp giải pháp, 25 tổ chức truyền nhận; 851.372 DN, tổ chức và 65.576 hộ, cá nhân kinh doanh triển khai HĐĐT; 5,055 tỷ HĐĐT đã phát hành; đã có 6.618 hóa đơn may mắn được trao thưởng cho NNT.

Cùng với HĐĐT, ngành Thuế cũng đã triển khai thành công Cổng thông tin điện tử phục vụ NNT kinh doanh  TMĐT. Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng dành cho nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, có hoạt động kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số xuyên biên giới để họ thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế điện tử trực tiếp.

Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các thủ tục thuế qua Cổng, trong đó có 06 tập đoàn công nghệ lớn gồm Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple; Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua Cổng là hơn 9 ngàn tỷ đồng. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là bước chuyển quan trọng, khẳng định chủ quyền quản lý thuế của quốc gia đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số xuyên biên giới.

Để hoàn thiện bức tranh cung cấp dịch vụ công cho các chủ thể kinh doanh TMĐT, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin TMĐT nhằm hỗ trợ các sàn TMĐT gửi thông tin giao dịch qua sàn đến cơ quan thuế với khối lượng dữ liệu lớn, theo phương thức tập trung một địa chỉ nhận thông tin.

Tính đến tháng 9/2023, đã có 351 sàn TMĐT gửi thông tin qua Cổng, trong đó có dữ liệu giao dịch của  hơn 34 ngàn nhà cung cấp là tổ chức tại Việt Nam, 136 nhà cung cấp là tổ chức nước ngoài, 214 ngàn nhà cung cấp là cá nhân tại Việt Nam, 7 nhà cung cấp là cá nhân nước ngoài.

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cấp độ 3, 4 cho DN đã ổn định trong nhiều năm với các con số ấn tượng như: 99,8% DN khai thuế điện tử, 98,9% DN nộp thuế điện tử, 99,3% DN hoàn thuế điện tử.

Trong 3 năm qua, ngành Thuế cũng đã tập trung nguồn lực để mở rộng dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân. Đến nay đã có  trên 2.300.000 tài khoản thuế điện tử  của cá nhân, có thể sử dụng các ứng dụng sau của  ngành thuế: Khai thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng quý, hàng năm; Khai và nộp thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản; Khai và nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy.

Với ứng dụng eTax Mobile sử dụng qua smartphone, cá nhân có thể tra cứu thông tin về đăng ký thuế, tình trạng thực hiện nghĩa vụ thuế để biết số dư nợ, nộp thừa hiện thời; xem thông báo từ cơ quan thuế hoặc nộp thuế ngay trên App.

Có thể khẳng định, tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột là “Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số”, như vậy, với việc Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế triển khai nền tảng hoá đơn điện tử là một yếu tố then chốt để thúc đẩy cả 3 trụ cột.

Trong đó, Chính phủ số từ góc độ cơ quan quản lý, kinh tế số từ góc độ của các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cả xã hội số đó là từ người dân. Trong chiến lược quốc gia thì nền tảng hoá đơn điện tử được coi là một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số và việc ngành Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số một cách đồng bộ đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của Bộ Tài chính và Chính phủ.

Chính sách tài khóa hỗ trợ kịp thời, đồng bộ

Thông điệp “DN – động lực phát triển kinh tế của đất nước” luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và là mục tiêu và định hướng trong hầu hết các chính sách. Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng DN và người dân.

Đó là các giải pháp chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Như vậy chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ DN là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và có ý nghĩa như một khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp  cho  người dân, DN  giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh.

Mới đây nhất, năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng DN, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch, có thể khẳng định Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.

Hơn thế, các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, DN là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ hỗ trợ kịp thời, DN có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.

Đẩy mạnh triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế Việt Nam hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và DN ở mức hiệu quả cao nhất.

Trong các trụ cột chiến lược trong đó có một trụ cột là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và NNT, ngành Thuế xác định một số nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, nguyên tắc lấy NNT làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của NNT.

Thứ hai, hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa TTHC theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại. Điều này hướng tới chuẩn mực thuế quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản  lý cũng như hiệu quả phục vụ của cơ quan thuế.

Thứ ba, xây dựng các chương trình cùng với NNT nâng cao tính tự nguyện tuân thủ của NNT qua đó giảm chi phí quản lý hành chính và NNT giảm được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chia sẻ, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý thuế hiện đại để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật về thuế.

Đặc biệt, để thực sự trở thành ‘Đối tác tin cậy với Người nộp thuế’, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, ngành Thuế Việt Nam luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng Dân” và tập trung chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện quán triệt và tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo đến từng công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị từ đó tạo động lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời tổ chức triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Với cam kết tiếp tục mục tiêu “Lấy Người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, người đứng đầu ngành Thuế Việt Nam đã khẳng định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thuế đã và sẽ tiếp tục tiếp bước, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, vượt khó của các thế hệ đi trước để cùng đồng hành chia sẻ cùng Người nộp thuế – những đối tác của sự phát triển để hướng đến tương lai phồn vinh của đất nước.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here