Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

0
448
(hdll.vn)

Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án và cơ chế chính sách, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Nhờ đó, nông nghiệp đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp đa giá trị, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng có những khó khăn, thách thức từ nội tại, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Trước bối cảnh và yêu cầu của thời kỳ mới và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh thực chất, hiệu quả.

I. KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THỜI GIAN QUA

1. Thành tựu

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong những  năm qua.

Trong 37 năm thực hiện Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nhất là thực hiện các Nghị quyết Trung ương, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, xuất khẩu trên quy mô lớn và ngày càng tăng; hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sinh sống được cải thiện; cơ cấu kinh tế, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Kết quả cụ thể:

a) Nông nghiệp: Nông nghiệp tăng trưởng nhanh, ổn định trong một thời gian dài, đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

(1) Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, an toàn thực phẩm được coi trọng. Năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều sản phẩm nông nghiệp được nâng cao và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2011 – 2020 đạt 2,93%/năm, năm 2021 đạt 3,27% và năm 2022 đạt 3,36%.

(2) Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, nhất là khi nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh xuyên biên giới (như dịch bệnh Covid-19); tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị – xã hội và phát triển đất nước. Các cân đối cung – cầu lương thực, thực phẩm được bảo đảm vững chắc; nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt hơi, sữa tươi, trứng gia cầm, thuỷ sản… đáp ứng tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu. Giai đoạn 2011 – 2022 sản lượng lúa tăng từ 42,3 triệu tấn lên 42,66 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm sáu nước hàng đầu về chỉ số này và trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á.

(3) Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; giai đoạn 2011 – 2020, trong tổng giá trị tăng thêm ngành nông lâm thủy sản tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 78,76% xuống 73,42%, tỷ trọng lĩnh vực lâm nghiệp tăng từ 3,17% lên 4,47% và tỷ trọng lĩnh vực thủy sản tăng từ 18,07% lên 22,11% (1). Trong nội bộ từng ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Như đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, định hướng nông nghiệp phát triển bền vững theo 3 tiểu vùng (vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển) và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực; thực hiện xoay trục chiến lược từ “lúa gạo – trái cây – thủy sản” sang “thủy sản – trái cây – lúa gạo” theo hướng thị trường, hiện đại, phát huy lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(4) Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mới, nhất là dịch vụ cơ giới hoá, thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật và thương mại cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản, cấp nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt, logistics… Công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến tinh. Cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra… Tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Cơ giới hóa ngày càng được áp dụng rộng rãi, tạo tiền đề quan trọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

(5) Xuất khẩu NLTS tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 – 2020 đạt 341,7 tỷ USD, bình quân đạt 34,17 tỷ USD/năm, tăng 5,38%/năm; năm 2022 đạt kết quả cao kỷ lục 53,53 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021, có 12 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó 07 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê, gạo; tôm; đồ gỗ, cao su) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (so với năm 2011 chỉ có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1,0 tỷ USD trở lên (2) có kim ngạch trên 03 tỷ USD, thặng dư thương mại 8,68 tỷ USD, tăng 32,7% so với năm 2021.

(6) Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực ngành được đẩy mạnh, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng tích hợp đa giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, nông nghiệp thông minh. Đồng thời tạo 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; tạo đà xuất khẩu nông sản chủ lực. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…; nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Ở nhóm sản phẩm OCOP, kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc. Hầu hết các sản phẩm đầu ra của các nhiệm vụ khoa học công nghệ đều được đặt hàng đến sản phẩm cuối cùng ứng dụng thực tiễn sản xuất. Lĩnh vực giống đạt được nhiều kết quả; giống lúa hiện nay chủ yếu do các nhà khoa học của Việt Nam chọn tạo và chuyển giao; nhiều giống vật nuôi, chế phẩm, thiết bị, quy trình công nghệ mới được chuyển giao vào sản xuất. Khoa học công nghệ đã làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; hình thành nhiều khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ; các mô hình ứng dụng công nghệ cao (3) giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 30%; góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Đến hết năm 2022 có 1.246 TCVN và 232 QCVN.

(7) Bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên (rừng, đất, nước): Nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 27% trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX lên 42% theo mục tiêu Quốc hội giao, đạt tốc độ phục hồi rừng cao nhất trong 21 nền kinh tế APEC. Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 01/6/2019; Hiệp định gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình “Thương mại và phát triển bền vững” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

b) Nông thôn

(1) Xây dựng nông thôn đổi mới trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng cả nước; những thành tựu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được đánh giá là to lớn, toàn diện và lịch sử, đạt được bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Chương trình đã đáp ứng nguyện vọng người dân nông thôn, ngày càng thu hút được sự tham gia đầu tư của cộng đồng xã hội, nhờ đó huy động được nguồn lực lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Giai đoạn 10 năm 2011 – 2020 huy động được 2.967.057 tỷ đồng (tương đương 134,8 tỷ USD, bình quân 13,46 tỷ USD/năm)(4); trong đó 5 năm 2016 – 2020 huy động 2.119.884 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 5 năm 2011 – 2015.

Đến hết tháng 5/2023, cả nước có 6.014/8.211 xã (73,24%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.301 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 139 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 40% số huyện cả nước). Có 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2013 chưa có huyện đạt chuẩn); có 04 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng; đến hết năm 2020, có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh; đến hết tháng 5/2023 các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 5.069 chủ thể tham gia.

(2) Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới; nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, giai đoạn 2010 – 2020 cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%; có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến Uỷ ban nhân dân huyện được nhựa, cứng hóa; trên 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm.

Hệ thống thủy lợi được tiếp tục đầu tư, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu; hệ thống thuỷ nông được xây dựng mới và hoàn thiện, trên địa bàn nông thôn có 18.100 trạm bơm (2,0 trạm bơm/xã). Giai đoạn 2011 – 2020, tổng năng lực tưới tăng thêm 225 nghìn ha, tiêu tăng thêm 170 nghìn ha; có trên 80% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước làm tăng hiệu quả sản xuất, tăng năng suất cây trồng 10 – 30%, tiết kiệm nước so với truyền thống 20 – 40%, giảm lượng phân bón 5 – 30%. Hệ thống hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư, nâng cấp; có 65 cảng được công bố mở cảng với năng lực bốc dỡ 1,8 triệu tấn/năm; 59 cảng được chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản khai thác; có 89 cảng cá được đầu tư và đang hoạt động.

Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở các vùng, khu vực: Miền Trung, Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư xây dựng hoàn thành, tăng năng lực cho các công trình thủy lợi. Sửa chữa nâng cấp 633 hồ chứa, xây dựng 6.750 hồ chứa các loại(5), 10.000 trạm bơm vừa và lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 235.000 km kênh mương.

(3) Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Kinh tế hộ gia tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn. Kinh tế trang trại phát triển khá, hết năm 2020 có trên 19.660 trang trại theo tiêu chí mới (6) với 4,5 lao động/trang trại, giá trị sản xuất trên 2,86 tỷ đồng/trang trại. Các hợp tác xã được tổ chức lại (hợp tác xã kiểu mới) và thành lập mới theo Luật Hợp tác xã, hết năm 2022 có 94 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi, hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách thuế, tín dụng, đất đai; hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản… Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phát triển nhanh, hết năm 2022 có trên 15.300 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 4,6 lần năm 2011; nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

Phát triển mạnh mẽ các mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị, dần hình thành những vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng NLTS an toàn với 2.510 chuỗi; có 463 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP; 16.991 ha diện tích NTTS được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.

c) Nông dân

Đã phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao. Thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn năm 2020 đạt 42 triệu đồng, tăng 4,56 lần so với năm 2008. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn dưới 1,8 lần. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm 1 – 1,5%/năm. Phúc lợi xã hội và đời sống người nông dân được cải thiện; đã về đích trước 10 năm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo. Ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 27,5% năm 2022.

2. Hạn chế, tồn tại

a) Nông nghiệp

– Quá trình phát triển còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định(7); những yếu kém nội tại của ngành mặc dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

– Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao; trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm các mặt hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp còn những bất cập.

– Công nghiệp chế biến NLTS, nhất là khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh(8); tổn thất sau thu hoạch còn cao(9). Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa và giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn còn rời rạc; kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics cao.

– Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.

– Thị trường xuất khẩu khó khăn, do nhiều nước có thế mạnh nông nghiệp quay lại đầu tư lớn cho nông nghiệp, bảo hộ cho sản xuất; trong khi các nước nhập khẩu tăng cường các hàng rào kỹ thuật và chuyển sang nhập khẩu chính ngạch. Vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, như: Thẻ vàng châu Âu về đánh bắt thuỷ sản trái phép, không báo cáo, không được quản lý (IUU); Hoa Kỳ điều tra Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ bất hợp pháp…

– Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất chưa phát triển mạnh, hiệu quả chưa thật sự ổn định. Kinh tế hộ vẫn là chủ lực. Kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn. Hợp tác xã nông nghiệp phát triển chậm và đang có nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp nông nghiệp chưa phát huy vai trò chủ đạo trong dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất.

– Khả năng chống chịu còn hạn chế, dễ bị tổn thất lớn khi có thiên tai. Tình trạng lạm dụng phân bón, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước còn diễn ra, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

– Một số cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chậm ban hành hoặc không có nguồn lực thực hiện như: Khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với vùng nguyên liệu; thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

b) Nông thôn

– Cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng lao động xã hội(10); trong khi chất lượng lao động còn thấp, đang là áp lực lớn cho cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao năng suất lao động(11), cải thiện đời sống nông dân.

– Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu (giai đoạn đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, “nông nghiệp xanh” để xây dựng nông thôn mới bền vững). Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn(12); các vấn đề phát triển sản xuất, thu nhập, hạ tầng cơ sở, nhất là tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét.

– Phát triển văn hoá chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững ở nông thôn. Văn hóa truyền thống có lúc, có nơi bị mai một, pha tạp, làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tệ nạn xã hội nhiều nơi gia tăng, trật tự an toàn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Chất lượng y tế, giáo dục ở nông thôn còn nhiều hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo… Ô nhiễm môi trường làng nghề, điểm công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, cơ sở chăn nuôi… chậm khắc phục. Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung(13).

c) Nông dân

– Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp; chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn cao(14), các vùng có công nghiệp phát triển nhanh gồm đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ có mức thu nhập bình quân cao hơn từ 1,3 – 2,2 lần so với các vùng còn lại(15); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn còn cao, năm 2020 là 7,1% cao gấp 6,45 lần thành thị(16), tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây nguyên. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo chiếm khoảng 5% số hộ thoát nghèo.

– Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp(17); trong khi chất lượng lao động chưa cao đang là áp lực lớn cho cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nông dân.

– Cơ hội tiếp cận nguồn lực, dịch vụ công về y tế, giáo dục, cơ hội phát triển của nông dân còn khó khăn, chưa tương xứng với những thành quả đổi mới, phát triển chung của đất nước; chênh lệch về khả năng tiếp cận giữa nông thôn với đô thị, giữa các vùng miền còn lớn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương khi gặp thiên tai, dịch bệnh và bất ổn thị trường trong khi hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống bảo hiểm chưa phát triển; như dịch bệnh Covid-19 đã làm hàng triệu người lao động từ thành phố, khu công nghiệp trở về nông thôn, tạo ra áp lực cho khu vực nông thôn.

II. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, KINH TẾ NÔNG THÔN THEO HƯỚNG NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI, NÔNG DÂN VĂN MINH

1. Quan điểm phát triển

(1) Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

(2) Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

(3) Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

(4) Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.

(5) Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

2. Mục tiêu

– Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc với môi trường sống tốt đẹp, có cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và dịch vụ tiệm cận với đô thị; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: (1) Tăng trưởng GDP toàn ngành 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp 5,5-6%/năm; (2) Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; (3) Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020; (4) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; hàng năm bình quân đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,8 triệu lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%; (5) Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; giảm phát thải nhà kính trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái.

– Mục tiêu chủ yếu đến 2025: (1) Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 – 3,0%/năm; (2) Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 48 – 50 tỷ USD; (3) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; (4) Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; (5) Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.

3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

(1) Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước “Cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh” trong toàn ngành và đến các cấp, ngành, địa phương, người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại.

(2) Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của Nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện Nghị quyết. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, Nghị quyết đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân.

(3) Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp và cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, trong đó:

– Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm ATTP dựa trên nền tảng ứng dụng KHCN tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính…

– Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển giống bản địa có giá trị cao; có cơ chế phù hợp để thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu, chọn, tạo giống; nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, vật tư nông nghiệp. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm.

(4) Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương. Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Xây dựng hạ tầng thương mại đa dạng, đồng bộ.

(5) Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững kinh tế – xã hội khu vực biên giới, biển, đảo, vùng khó khăn… Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị tứ, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị; hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, văn hoá, giáo dục, y tế; cung cấp nước sạch theo quy chuẩn. Khẩn trương, quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

(6) Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa. Có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng. Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, hoàn thiện chính sách hiểm nông nghiệp. Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, công ty nông, lâm nghiệp. Hoàn thiện chính sách phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.

(7) Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn. Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ, tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi. Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

(8) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh. Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn kết với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Phòng, chống phá rừng, suy giảm chất lượng rừng; nâng cao chất lượng và trữ lượng rừng; xử lý nghiêm các vi phạm. Bảo đảm an ninh, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn nước. Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường. Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng tới từng vùng, địa phương. Xây dựng chính sách, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, khí metal trong nông nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế.

(9) Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học – công nghệ. Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTAs, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ. Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

(10) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp ở nông thôn./.

———————

(1). Trong tổng giá trị sản xuất NLTS, tỷ trọng của lĩnh vực thủy sản tăng từ 20,3% lên 26,2% và lâm nghiệp tăng từ 2,3% lên 4,1%, chăn nuôi tăng từ 19,6% lên 25,2%, trong khi trồng trọt giảm từ 56,9% xuống 43%.

(2) (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD; tôm 4,31 tỷ USD; cà phê 4,05 tỷ USD; gạo 3,46 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,36 tỷ USD; hạt điều 3,08 tỷ USD)

(3) Cả nước có 5 khu NNƯDCNC (Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh) và 01 Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc trung Bộ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; có khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có 499 vùng có ứng dụng CNC; và 19 vùng NNƯDCNC do các địa phương chính thức công nhận; có 290 doanh nghiệp nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó 70 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NNƯDCNC; có 1.930 HTX NNƯDCNC.

(4) Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp 402.854 tỷ đồng (bình quân khoảng 45,25 tỷ đồng/xã trong 10 năm), ngân sách Trung ương là 79.555,6 tỷ (chiếm 19,7% ngân sách nhà nước các cấp).

(5) Tổng dung tích hồ chứa 14.500 triệu m3, tăng thêm 1.300 triệu m3 so với năm 2015

(6) Trong đó có 4.325 trang trại trồng trọt, 12.013 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.267 trang trại nuôi trồng thủy sản, 03 trang trại sản xuất muối, 1.930 trang trại tổng hợp

(7) GDP toàn Ngành qua các năm: Năm 2015 tăng 2,41%, năm 2016 tăng 1,36%, năm 2017 tăng 2,90%, năm 2018 tăng 3,76%, năm 2019 tăng 2,67%, năm 2020 tăng 3,04%, năm 2021 tăng 3,27%, năm 2022 tăng 3,36%.

(8) Chủ yếu sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30%.

(9) Khoảng 10-20% do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đủ chất lượng.

( 0) Giảm từ mức 52,3% năm 2008 xuống 32,8% năm 2020 và 27,5% năm 2022

(1 ) Năng suất lao động NLTS năm 2021 đạt 74,7 triệu đồng/người, chỉ bằng khoảng 43,28% NSLĐ xã hội.

( 2) Đến hết năm 2021, trong khi có các vùng tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao như: ĐBSH 99,2%; Đông Nam Bộ đạt 87,03%; cũng còn những vùng tỷ lệ số xã đạt chuẩn thấp như: Miền núi phía Bắc 42,51%; Tây Nguyên đạt 53,39%

( 3) Báo cáo số 83/BC-CP ngày 22/3/2021 của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2020.

( 4) năm 2020 thu nhập bình quân/người/tháng ở nông thôn đạt 3,48 triệu đồng bằng 62,84% khu vực thành thị, đạt 5,54 triệu đồng

( 5) Thu nhập bình quân vùng Đông Nam Bộ cao hơn gấp 2,2 lần so với Miền núi phía bắc, 2,14 lần so với Tây Nguyên, 1,77 lần so với Duyên hải miền Trung.

( 6) Kết quả sơ bộ điều tra mức sống dân cư năm 2020, Tổng cục Thống kê.2021.

(17) Ngân hàng Thế giới, 2019: năm 2020 mới đạt 52,7 triệu đồng/người (bằng 44,89% năng suất lao động cả nước), nếu só sánh với một số nước trên thế giới mới bằng 40% của Thái Lan và 30% của Trung Quốc.

(Báo cáo chuyên đề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here