Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, gỡ khó cho ngành chăn nuôi

0
233
Khơi thông được con đường xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa sẽ là giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển.

Khơi thông được con đường xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa sẽ là giải pháp để ngành chăn nuôi giải quyết được tình trạng rớt giá, giúp người chăn nuôi tăng thu nhập và phát triển bền vững ngành hàng. 

Khơi thông được con đường xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa sẽ là giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển.

Đây là đề xuất được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết ngành chăn nuôi 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngày 28/12 tại Hà Nội.

Năm 2022, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng chịu tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 và giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đến nay, tổng đàn lợn của cả nước khoảng 28,6 triệu con, tăng 3,2%; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con, tăng 1,4%; đàn bò khoảng 6,53 triệu con, tăng 1,9%. Sản lượng thịt hơi khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%…

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập trong việc kết nối giữa sản xuất và thị trường, hiện khâu trung gian có nhiều lợi nhuận nhất – đây là bất cập cần phải giải quyết.

Nhìn nhận những thách thức trên, trong năm 2022, Cục Chăn nuôi đã tổ chức đẩy mạnh nhiều hoạt động khơi thông thị trường. Đối với chăn nuôi gia cầm, Cục phối hợp, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp rà soát, ổn định quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu ảnh hưởng đến thị trường, giá sản phẩm gia cầm và thu nhập của người chăn nuôi.

Đồng thời, Cục Chăn nuôi cũng phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh vấn đề khơi thông xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến và các sản phẩm từ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa… sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc (Trung Quốc đã ký Nghị định thư với Việt Nam về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu của Việt Nam).

Nhận định về chăn nuôi năm 2023, Cục Chăn nuôi cũng đánh giá dự báo dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2023, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 trong năm 2022 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới (16 FTA đã được ký kết, Việt Nam đang đàm phán 4 FTA và 01 FTA đang được tham vấn tiến tới đàm phán là VN-UAE FTA) đem tới nhiều cơ hội, nhưng cũng phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu xuất vào thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trọng nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, thị trường Trung Quốc đang chiếm 50% thị phần tiêu thụ đàn heo trên thế giới, 1 năm tiêu thụ khoảng trên 5 triệu tấn thịt. Tuy nhiên, muốn sản phẩm thịt heo cạnh tranh được ở thị trường này thì giá phải rẻ hơn các đối thủ như Đan Mạch, Mỹ… Về lâu dài, ngành chăn nuôi heo cần phải tiếp tục đàm phán, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu được thịt heo chính ngạch sang thị trường này thì mới bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định tăng trưởng của ngành chăn nuôi là động lực tăng trưởng của ngành Nông nghiệp: “Ngành chăn nuôi cần phải thấy rằng, thị trường nội địa phục vụ nhu cầu gần 100 triệu dân không phải là thị trường nhỏ, chưa kể một số sản phẩm chăn nuôi đã xuất khẩu như heo mảnh sang Hàn Quốc, heo sữa sang Hong Kong (Trung Quốc) hay tổ yến sang Trung Quốc… Rõ ràng tiềm năng là rất lớn”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Một trong những yếu tố quan trọng là phải xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn về các hàng rào kỹ thuật và mở rộng được thị phần, thị trường ở các nước”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ tin tưởng vào những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt trong ngành chăn nuôi có đủ năng lực để chế biến và chế biến sâu, có nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đây cũng chính là động lực và giải pháp quan trọng để “kéo” tăng trưởng chăn nuôi trong giai đoạn tới.

Phùng Kiên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here