Ứng dụng mô hình SMART đo lường tác động của EVFTA với ngành dệt may

0
1137
Xuất khẩu quý I hồi phục mạnh mẽ, 15 mặt hàng trên 1 tỷ USD

Kết quả ứng dụng mô hình SMART đánh giá tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang châu Âu sau khi Hiệp định đi vào thực thi cho thấy, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU sẽ tăng lên gần 748 triệu USD, tương đương với 14,72% khi mức thuế về 0%.

Khi thuế quan mặt hàng dệt may về 0%, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng 14,72%

Mô hình SMART tập trung vào những thay đổi đối với một thị trường cụ thể khi có thay đổi trong chính sách thương mại như cắt giảm thuế nhập khẩu. Cầu nhập khẩu, cung xuất khẩu của thị trường trong mô hình SMART được áp dụng dựa trên 3 giả thuyết.

Thứ nhất, giả thiết Armington (Armington assumption) cho rằng, nhập khẩu từ một quốc gia đối với một mặt hàng nào đó không thể thay thể hoàn hảo nhập khẩu từ một nước khác, nói cách khác là không có sự thay thế hoàn hảo giữa hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau.

Thứ hai, giả định khác của mô hình SMART là nhu cầu của người tiêu dùng được quyết định trong quá trình tối ưu 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 liên quan đến việc phân bổ chỉ tiêu của người tiêu dùng và giai đoạn 2 liên quan sự đa dạng hàng hóa nhập khẩu của quốc gia. Trong giai đoạn đầu tiên, người tiêu dùng quyết định chi tiêu bao nhiêu vào hàng hóa dựa vào độ co giãn của nhu cầu nhập khẩu theo giá (cầu nhập khẩu thay đổi bao nhiêu phần trăm khi giá thay đổi).

Ở giai đoạn thứ hai, mức chi tiêu đối với hàng hóa này được phân bổ phụ thuộc vào mức giá tương đối của hàng hóa giữa các quốc gia. Độ co giãn thay thế này được mặc định bằng 1,5.

Thứ ba, mô hình SMART cũng giả định rằng, độ co giãn cung xuất khẩu của các quốc gia là hoàn toàn co giãn, bằng 99.

Kịch bản đánh giá tác động của EVFTA đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam khi mức thuế về 0%, kết quả được tổng hợp sau khi sử dụng mô hình SMART với 27 quốc gia EU tại thời điểm tháng 3/2022. Khi thuế quan mặt hàng dệt may về 0%, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng 14,72%. Điều này cho thấy tác động tích cực của việc tham gia hiệp định EVFTA đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam.

Khi xét trên phương diện quốc gia, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc xuất khẩu sang Đức với 35,94%, sang Pháp là 14,48%, Tây Ban Nha là 10,13% và Ba Lan là 10,14%. Tổng tỷ trọng của 4 nước này chiếm 70,69% trong tổng giá trị xuất khẩu. Bulgaria, Cyprus, Hungary, Litva, Luxembourg và Malta là các thị trường mà Việt Nam được hưởng lợi ít nhất khi thuế về 0%, điều này phù hợp với thực tế vì đây là các nước có diện tích rất nhỏ, dân số ít, quy mô nền kinh tế nhỏ và nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam thấp, nên giá trị xuất khẩu không lớn.

Trong các mặt hàng dệt may, thì nhóm Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc và Quần áo, hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc chiếm giá trị nhiều nhất trong tổng thay đổi xuất khẩu của Việt Nam. Đây là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam, chiếm 99,19% trong tổng giá trị xuất khẩu. Có 5 mặt hàng thuộc nhóm ngành sản phẩm dệt may gia tăng xuất khẩu nhiều nhất từ Việt Nam sang EU. Trong đó, áo khoác có mũ, áo gió, áo jacket chống gió cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, từ sợi nhân tạo có giá trị tăng thêm lớn nhất với 58.631.575 USD, đạt tỷ trọng 7,85%.

Đánh giá top 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi EVFTA, kết quả mô hình SMART cho thấy, Trung Quốc là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Hiệp định này, tiếp theo là Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây đều là 5 quốc gia đều có ngành công nghiệp dệt may phát triển trên thế giới.

Kết quả mô phỏng của mô hình SMART đã khẳng định, việc xóa bỏ thuế quan của mặt hàng dệt may sẽ dẫn đến sự gia tăng lớn trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam đến EU, với giá trị tăng thêm dự tính là 1,74 tỷ USD, tương đương với 14,72% khi mức thuế về 0%. Xét trên phương diện quốc gia, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc xuất khẩu sang Đức với giá trị tăng thêm là hơn 268 triệu USD.

Nhằm tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, các chuyên gia trong ngành cho rằng, Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt, nhuộm và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, qua đó nâng dần lượng vải sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất – nhập khẩu cho doanh nghiệp. Để hưởng miễn thuế của EVFTA phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi. Vì vậy, Bộ Công Thương cần tận dụng linh hoạt cộng gộp vải của Hàn Quốc và Nhật Bản –2 quốc gia có cùng hiệp định thương mại tự do với EU và Việt Nam và cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp dệt may, cần chủ động tiếp cận với các khách hàng EU thúc đẩy tìm kiếm đơn hàng với lợi thế cắt/giảm thuế quan theo EVFTA. Các doanh nghiệp cần đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt là bảo đảm quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, để vượt qua được các rào cản về kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường các nước EU, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.

Phan Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here