Huy động vốn trong và ngoài nước phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

0
129
Chợ nổi Cái Răng, Đồng bắng sông Cửu Long (Nguồn: ĐCS)
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. 
Chợ nổi Cái Răng, Đồng bắng sông Cửu Long (Nguồn: Dangcongsan.vn)

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án do địa phương quản lý dự kiến khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 460.000 tỷ đồng.

Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm như các tuyến đường bộ cao tốc: Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, các quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long về huy động vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quan điểm của Bộ Tài chính là ủng hộ và đang thực hiện đúng các quy định, chủ trương, nghị quyết của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện Bộ Tài chính đã thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong việc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng phương án ưu tiên cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền giao cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 99.981 tỷ đồng; trong đó, nguồn trong nước là hơn 85.013 tỷ đồng và nguồn nước ngoài là hơn 14.968 tỷ đồng. Dự kiến, tổng nguồn vốn nước ngoài bố trí các dự án Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 là 43.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ đã chủ trì trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, để bổ sung cơ chế ưu đãi cho các dự án đủ điều kiện của Đồng bằng sông Cửu Long.

Về thực hiện đúng Nghị quyết số 41/NQ-CP về huy động nguồn vay nước ngoài cho vùng đồng bằng sông Cửu Long theo phương thức vay dự án, Bộ Tài chính góp ý các đề xuất dự án căn cứ quy định của Nghị quyết số 07/NQ-TW của Trung ương về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và nợ công, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP, đảm bảo nguyên tắc chỉ vay khi rõ sự cần thiết và hiệu quả, đánh giá đầy đủ mức độ ưu đãi, tác động đến nợ công, đảm bảo các hạn mức nợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và theo tỷ lệ cho vay lại.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài chính, trong quá trình tham mưu góp ý các đề xuất vay cho dự án, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các đơn vị rà soát kỹ các quy định, như: sự cần thiết, hiệu quả đầu tư thể hiện qua sự phù hợp với quy hoạch vùng/ngành/địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ sở xác định quy mô dự án và quy mô vốn vay; điều kiện vay, các điều kiện ràng buộc khác về mua sắm, giải phóng mặt bằng, đánh giá mức độ ưu đãi, và cơ chế tài chính, tác động đến nợ công, hạn mức nợ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Trung ương đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là tập trung chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn chưa thỏa đáng.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập thủ tục đầu tư; chủ động phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu chủ trương đầu tư (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)…

Trong thẩm quyền của mình, về huy động vốn vay cho dự án đầu tư, Bộ Tài chính tham gia ý kiến trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, và thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đồng thời, chủ trì thẩm định cho vay lại (đối với dự án vay lại), đàm phán, ký hiệp định/thỏa thuận vay với các đối tác cho vay, trên cơ sở dự án đầu tư (F/S) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về phía các địa phương, cần tập trung xây dựng các dự án phù hợp với chiến lược phát triển và quy hoạch, đảm bảo yêu cầu.

Tại Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 1/4/2021, Chính phủ đã đồng ý chủ trương vay vốn 2 tỷ USD từ các đối tác phát triển nước ngoài theo phương thức tài trợ dự án cho đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền giao cho các địa phương vùng vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 99.981 tỷ đồng, trong đó, nguồn trong nước là hơn 85.013 tỷ đồng và nguồn nước ngoài là hơn 14.968 tỷ đồng. Dự kiến, tổng nguồn vốn nước ngoài bố trí các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 là 43.000 tỷ đồng.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định các đột phá mang tính chiến lược; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy con người làm trung tâm.

Vùng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua hai trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thủy nội địa và tuyến đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai.

Đồng thời phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển.

Đến năm 2030, vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; bốn cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Thùy Dương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here