Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo: Việt Nam và Hungary phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ít nhất 10% trong năm 2023

0
245
Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo. (Nguồn: ĐSQ VN tại Hungary)

Triển khai thực hiện hàng loạt các hoạt động ngoại giao kinh tế góp phần vào những bước phát triển ấn tượng của quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Hungary trong thời gian qua, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo cùng các cán bộ sứ quán lại tiếp tục đặt ra những mục tiêu lớn hơn để phấn đấu đóng góp vào nỗ lực chung phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo. (Nguồn: ĐSQ VN tại Hungary)

Đó là những nỗi niềm, ấp ủ của Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo trong bài phỏng vấn dưới đây.

Thưa Đại sứ, ngày 10/8/2022, Ban chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Chỉ thị có ý nghĩa như thế nào đối với Đại sứ trong việc thực hiện công tác đối ngoại tại địa bàn?

Chỉ thị 15-CT/TW (CT15) mang ý nghĩa chiến lược, định hình tư duy, định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới. Tinh thần của CT15 đã xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam và là một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

CT15 giúp cho việc hoạch định, triển khai công tác đối ngoại ở địa bàn, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế, có những bước phát triển mới, đi vào cụ thể, thực chất và hiệu quả hơn ở những mặt sau: nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế; xác định đây là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của công tác đối ngoại, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; ngoại giao cần đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế Việt Nam.

Đối với địa bàn Hungary, thực thi và tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương tăng 10%, chủ động phối hợp xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện các cam kết/dự án song phương, giảm thiểu tối đa thiệt hại cũng như ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Tích cực vận động, thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc từ địa bàn, tìm kiếm lĩnh vực hợp tác mới trong bối cảnh mới tại Hungary và triển khai tại hai nước kiêm nhiệm Croatia và Bosnia & Herzegovina.

Cơ quan đại diện chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế; tham gia  tích cực đầy đủ các hoạt động trực tuyến quán triệt CT15 và triển khai chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế.

Địa bàn Hungary có những thuận lợi và khó khăn như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển?

Mặc dù là thị trường nhỏ trong khối EU, với dân số 9,7 triệu người, nhưng Việt Nam và Hungary đã có mối quan hệ truyền thống về chính trị cũng như kinh tế – thương mại trong nhiều năm qua. Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua đã tạo xung lực cho hai bên phát triển quan hệ kinh tế – thương mại.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng, quan tâm sâu sắc, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Tại Hungary, các nguồn lực như Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, các doanh nghiệp Việt kiều cũng như các doanh nghiệp từ Việt Nam sang Hungary làm ăn đã có sự gắn kết chặt chẽ với Thương vụ, Đại sứ quán, tạo lợi thế nhất định khi triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế tại địa bàn Hungary cũng như các nước kiêm nhiệm Croatia, Bosnia and Herzegovina. Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển tốt mối quan hệ giữa Cơ quan đại diện với các Bộ ngành kinh tế, tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp nước sở tại cũng như các nước kiêm nhiệm cũng tạo nên thuận lợi trong triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế của Cơ quan đại diện.

Ngoài ra, việc Chính phủ Hungary trong những năm gần đây liên tục đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, thu hút đầu tư như chính sách giảm thuế, kích cầu bất động sản, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng Đông, tăng cường hợp tác với các nước ngoài EU…khiến hoạt động ngoại giao kinh tế của Cơ quan đại diện thuận lợi hơn.

Trong thời gian qua, Đại sứ quán đã triển khai thực hiện hàng loạt các hoạt động ngoại giao kinh tế như tổ chức đoàn xúc tiến thương mại đến các địa phương nước sở tại gặp gỡ các tổ chức kinh tế, xúc tiến thương mại, doanh nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; tổ chức/phối hợp tổ chức, tham gia các hội thảo doanh nghiệp, xúc tiến xuất khẩu, đầu tư… dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Hungary cũng như hai nước kiêm nhiệm; kết nối các doanh nghiệp sở tại, các nước kiêm nhiệm với doanh nghiệp Việt Nam trong kinh doanh, đầu tư; cung cấp thông tin, tư vấn về thị trường, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp hai bên; xác minh doanh nghiệp sở tại nhằm giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh; thực hiện các nghiên cứu về chính sách kinh tế – thương mại, thị trường, ngành hàng…của nước sở tại; thường xuyên cung cấp tin, bài về các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội giao thương, tình hình phát triển kinh tế – thương mại nước sở tại cho các cơ quan báo chí của Việt Nam; gặp gỡ các quan chức Bộ Ngoại Giao và Thương mại Hungary thúc đẩy, tháo gỡ những vướng mắc trong dự án bệnh viện Cần Thơ; gặp gỡ các Bộ ngành kinh tế, du lịch hai nước kiêm nhiệm Croatia và Bosnia &Herzegovina thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam với hai nước kiêm nhiệm; vận động thành công Chính phủ Hungary viện trợ và chuyển nhượng vaccine chống Covid-19, Chính phủ Croatia viện trợ vaccine chống Covid-19…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, do nguồn kinh phí còn hạn chế đã khiến việc triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều hoạt động chưa thực hiện được.

Mặt khác, nền kinh tế Hungary cũng như các nước kiêm nhiệm đang hứng chịu những tác động do dịch Covid-19 cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine gây nên, lạm phát tăng cao, khủng hoảng về năng lượng, chi phí đầu vào sản xuất tăng, sức mua giảm sút, chuỗi cung ứng đứt gãy, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa…ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế cũng như kết quả mang lại từ các hoạt động này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary thăm khu công nghiệp công nghệ cao tỉnh Zala, Hungary. (Nguồn: ĐSQ VN tại Hungary)

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam và Hungary đã tận dụng khuôn khổ này như thế nào để tăng cường quan hệ kinh tế – thương mại song phương?

Quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển ấn tượng trong những năm gần đây. So cùng kỳ năm trước, nếu như tổng kinh ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary trong năm 2019 (năm trước khi EVFTA có hiệu lực) đạt 746 triệu USD, tăng 15,7%, liên tiếp trong 2 năm 2020 và 2021 đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Cụ thể, năm 2020 đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD, tăng 73,9%, năm 2021 đạt 1,1 tỷ USD, giảm 15,2% do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đến năm 2022, so cùng kỳ năm trước, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary trong 11 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 1.088,5 triệu USD, tăng 10,6%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hungary đạt 531,22 triệu USD, tăng 7,3%. Nhập khẩu đạt 557,24 triệu USD, tăng 14%. Ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hungary năm 2022 đạt khoảng 1,21 triệu USD, tăng 10%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 587 triệu USD, tăng 3%, Việt Nam nhập khẩu đạt khoảng 623 triệu USD, tăng 17,7%.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI, Hungary hiện có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 72,28 triệu USD, đứng thứ 51 trong 139 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có vốn FDI vào Việt Nam.

Đối với thị trường kiêm nhiệm Croatia, trong 11 tháng đầu năm 2022, so cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 109,4 triệu USD, tăng 35%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 72,2 triệu USD, tăng 56,6%; nhập khẩu từ Croatia đạt 37,2 triệu USD, tăng 6,4%. Ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Croatia năm 2022 đạt khoảng 120,4 triệu USD, tăng 33,6%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 79 triệu USD, tăng 50,2%.

Như vậy, có thể thấy, kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, đến nay EVFTA đã mang lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam và Hungary cũng như Việt Nam và Croatia. Đây là sự nỗ lực của doanh nghiệp các bên trong việc chủ động, tận dụng lợi thế này.

Trước tình hình mới, yêu cầu mới, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đặt những mục tiêu gì để triển khai công tác ngoại giao kinh tế hiệu quả trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hungary một mặt tiếp tục cố gắng duy trì triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế như trong thời gian qua, mặt khác tuỳ theo diễn biến cụ thể để có những hoạt động phù hợp với tình hình của địa bàn.

Mục tiêu trong năm 2023, tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary ít nhất 10%, tăng ít nhất 20% đối với các địa bàn kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sớm mở văn phòng đại diện cũng như đầu tư tại Hungary

Ngoài ra, với việc Croatia chính thức gia nhập khối EU và chính thức sử dụng đồng tiền EURO từ ngày 01/01/2023, Đại sứ quán dự kiến tổ chức một số hoạt động trọng điểm nhằm giới thiệu thị trường tiềm năng này tới các doanh nghiệp trong nước.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Thu Trang (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here