Đại sứ Nhật Bản: Việt Nam ngày càng đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế thế giới

0
50
Hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tháng 5/2022. (Ảnh: NLĐ)

Hướng tới năm 2023, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio có những kỳ vọng rất lớn về sự phát triển của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam. Đại sứ khẳng định sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ kéo theo sự phát triển của không chỉ trong ASEAN mà còn cả châu Á – Thái Bình Dương.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. (Ảnh: QT)

Thưa Đại sứ năm 2023 là quan trọng với quan hệ Việt Nam-Nhật Bản khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), Đại sứ kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của quan hệ song phương trước dấu mốc quan trọng này?

Việt Nam là đối tác quan trọng không thể thiếu trong mục tiêu thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản. Nhật Bản tin rằng có thể cùng với Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn  các hoạt động hợp tác, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực và thế giới ngày càng nhiều biến động phức tạp, quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh càng trở nên quan trọng mang tính chiến lược.

Chúng ta đã nhìn thấy tiềm năng mới của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thông qua việc có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12 vừa qua. Tôi mong muốn đưa năm 2023 trở thành năm cụ thể hóa hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Về phương diện kinh tế, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam vào năm 2023, Chính phủ Nhật Bản mong muốn hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhằm thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam, tôi mong muốn đưa các hoạt động hợp tác giữa hai nước thông qua dự án ODA sôi động trở lại như giai đoạn trước năm 2017, đặc biệt hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đóng góp cho công cuộc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thêm vào đó, tôi mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh (GX), chuyển đổi số (DX), hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đào tạo nhân lực…

Thông qua các kết quả hợp tác cụ thể nêu trên, đồng thời dựa trên nội dung được nêu tại Phần Phụ lục của Tuyên bố chung Nhật Bản – Việt Nam (vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á) được hai bên công bố nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021, tôi mong muốn phát triển quan hệ Nhật Bản – Việt Nam không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương mà còn nâng lên tầm quan hệ chiến lược có vị thế ngang bằng vì sự phát triển của toàn khu vực và thế giới trên mọi lĩnh vực.

Đại sứ đánh giá giá như thế nào về sự tham gia của Việt Nam trong các khuôn khổ đa phương, trong đó có cả những khuôn khổ hợp tác kinh tế?

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định và đưa ra thông điệp về việc chú trọng ngoại giao đa phương, đồng thời tăng cường vai trò và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tại Liên hợp quốc như là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Việt Nam đã và đang phát huy tích cực vai trò của mình tại ASEAN, đồng thời tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương được phát triển trong những năm gần đây như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Tôi mong rằng Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa vai trò của mình tại các hội nghị đa phương quốc tế, đối phó với các thách thức toàn cầu, cũng như tăng cường vị thế trên trường quốc tế.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế của không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc ngày càng leo thang, tầm quan trọng của việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và được xem là công xưởng sản xuất mới của thế giới. Cũng giống như các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam sẽ ngày càng đóng góp to lớn cho sự phát triển và ổn định của kinh tế thế giới.

Thêm vào đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) , Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố về mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đã và đang phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, đồng thời thể hiện cho cộng động thế giới thấy một mô hình phát triển mới của nước đang phát triển hài hoà giữa hai mục tiêu phát triển kinh tế và đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0.

Nhằm hỗ trợ quá trình trung hoà khí thải carbon dựa trên tình hình thực tế của các nước châu Á bao gồm Việt Nam, Nhật Bản đã đưa ra Sáng kiến cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) thúc đẩy công cuộc cùng thực hành kiểm chứng các kỹ thuật sản xuất không phát thải như: công nghệ sinh học, Hydrogen, Amoniac, CCUS. Nhật Bản mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi xanh (GX) của Việt Nam thông qua các cơ chế hợp tác như AZEC.

Hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tháng 5/2022. (Ảnh: NLĐ)

Thời gian qua, có thể thấy rằng đại dịch Covid-19 không thể ngăn cản doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là một điểm đến đầu tư. Việt Nam vẫn được coi là “bến đỗ” đầu tư tốt nhất đối với họ, thưa Đại sứ?

Trong bối cảnh hoạt động đầu tư trên toàn thế giới bị hạn chế bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

“Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản” được tổ chức trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái đã thu hút sự tham gia của 1.000 người cả trực tiếp và trực tuyến.

Tại đây, 45 biên bản ghi nhớ (MOU) với tổng trị giá lên tới 12 tỷ USD đã được trao đổi. Tôi cho rằng ngay cả giữa tình hình dịch Covid-19, sức nóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, quốc gia đang thu hút sự quan tâm nhờ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, đã một lần nữa được khẳng định.

Lý do có thể kể tới là tiềm năng tăng trưởng, sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực ưu tú và sự gắn bó về mặt văn hóa giữa hai nước.

Hà Phương (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here