Bến Tre mời hợp tác cùng phát triển thịnh vượng

0
198
Bến Tre có thế mạnh về du lịch biển. (Ảnh: Nguyễn Kim Cường)

Bến Tre có đầy đủ tiềm năng và thế mạnh để tạo nên bước phát triển đột phá, trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Bến Tre có thế mạnh về du lịch biển. (Ảnh: Nguyễn Kim Cường)

Nghị quyết về Tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và 2045 nêu rõ, đưa Bến Tre (2.639 km2, dân số 1,2 triệu người) trở thành một tỉnh xanh và đáng sống, phát triển hài hòa với thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên thế mạnh nông nghiệp, đồng thời trở thành điểm du lịch hấp dẫn – phiên bản thu nhỏ của Đồng bằng sông Cửu Long đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2030 và 2045

Hiện thực hóa Tầm nhìn, Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể, trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và nông nghiệp giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; phát triển Bến Tre về hướng Đông. Các huyện, thành phố thuộc tỉnh cũng theo đó đề ra tầm nhìn cụ thể để phát huy thế mạnh kinh tế từng vùng và từng lĩnh vực, tận dụng thời cơ tạo nên những bước phát triển đột phá.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre lập có năm quan điểm chi phối quá trình phát triển và ba phương án phát triển dựa trên những giả định khác nhau về kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

Trong thời kỳ quy hoạch, Bến Tre tập trung phát triển ba vùng và năm hành lang kinh tế. Cụ thể, ba vùng gồm: Bắc sông Hàm Luông, Nam sông Hàm Luông và ven biển; năm hành lang kinh tế gồm: ba hành lang phát triển theo hướng Tây – Đông, hành lang phát triển theo hướng Bắc – Nam và hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển.

Về phương án phát triển không gian đô thị, đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có 37 đô thị. Các phân khu chức năng chính được phát triển trong thời kỳ quy hoạch bao gồm: Khu vực lấn biển; khu đô thị nông nghiệp – công nghiệp sạch và du lịch tổng hợp; khu chức năng công nghiệp; hệ thống trung tâm logistic, cảng biển, cảng sông.

Ba lĩnh vực kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng tạo sự đột phá của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ quy hoạch gồm: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; kết cấu hạ tầng điện, năng lượng; hạ tầng thủy lợi. Trong đó, Bến Tre sẽ tập trung vào ba lĩnh vực cần đột phá: công nghiệp (xây dựng được các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch; công nghiệp chế biến nông, thủy sản; năng lượng sạch); hạ tầng giao thông (cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường ven biển, cầu Đình Khao…) và đô thị. Nếu tuyến đường ven biển là động lực cho sự phát triển của toàn tỉnh, thì cần có “tuyến động lực nội tỉnh” từ thành phố Bến Tre kết nối với tuyến đường ven biển.

Chọn kịch bản tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 10-10,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030, Bến Tre tập trung phát triển công nghiệp xây dựng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Nông nghiệp tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như vườn cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản, cây giống, hoa cảnh, thương mại dịch vụ kết nối, mở rộng; phát triển du lịch gắn với sinh thái, văn hóa cộng đồng.

Bưởi da xanh Bến Tre của Việt Nam đã có mặt tại siêu thị ở Mỹ. (Nguồn: TTXVN)

Phát triển về hướng Đông – Tạo động lực mới

Năm 2022, Bến Tre phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 8,19% so với năm 2021; sản lượng điện thương phẩm đạt 1.860 triệu kWh, tăng 4% so với ước thực hiện 2021, có hơn 140 MW điện gió đưa vào khai thác thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 56.000 tỷ đồng tăng 14,3% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD, tăng 15,13%…

Tỉnh đã triển khai phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; trọng tâm là tập trung triển khai đầu tư, hoàn chỉnh các công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng nhằm mở rộng không gian phát triển mới, tạo động lực đột phá cho phát triển tỉnh Bến Tre, nhất là tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế biển.

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre đặt trọng tâm phát triển về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm và đột phá của tỉnh. Mục tiêu phát triển về hướng Đông là phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, trong đó kinh tế biển là trọng tâm gắn với củng cố quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái…

Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long với chiều dài bờ biển trên 65km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000km2 đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế Biển. Thời gian qua, Bến Tre đã tận dụng và khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế khu vực biển, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả tỉnh, nhất là trên lĩnh vực thủy sản, du lịch.

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển Bến Tre về hướng Đông là tất yếu, tạo động lực mới, không gian phát triển mới và phát triển toàn diện kinh tế – xã hội địa phương, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ nước ta; đặc biệt gắn kết liên vùng qua tuyến hành lang kinh tế ven biển, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu của Bến Tre và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với mục tiêu “phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre”, trong giai đoạn mới, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030; đặc biệt, định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để Bến Tre phát triển nhanh và bền vững.

Khánh Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here