Dù là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và có mặt tại nhiều thị trường lớn nhưng gạo Việt từng phải chịu cảnh “vô danh” ở thị trường Liên minh châu Âu (EU). Nhờ có lực đẩy từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), gạo Việt đã từng bước thâm nhập thành công và có tạo chỗ đứng tại thị trường khó tính này.
Hiện nay, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2016-2021). Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang EU so với năm 2021 như sau: Cà phê (tăng 42,1%); gạo (tăng 63,9%); gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 8,3%); hàng rau quả (tăng 20,2%); hàng thủy sản (tăng 32,9%); hạt điều (giảm 17,3%); hạt tiêu (giảm 0,6%), mây, tre, cói và thảm (giảm 2,3%); và sản phẩm từ cao su (giảm 24,9%); cao su (giảm 33,3%); chè (giảm 38,7%).
Gạo là một trong những mặt hàng hưởng lợi và tăng trưởng ấn tượng nhờ Hiệp định EVFTA. Gạo Việt đã bắt đầu có mặt ngày càng phổ biến tại các quốc gia Bắc Âu, vốn không phải là thị trường chủ lực tại châu Âu. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na uy, Latvia), các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy) là các nước không trồng lúa gạo và phải nhập khẩu hoàn toàn gạo cho tiêu dùng và sản xuất. Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gạo xay xát sang khu vực Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa nhiều, chỉ chiếm 3,3% thị phần nhập khẩu tại Bắc Âu, nhưng với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình 73%/năm trong giai đoạn 2017-2021.
Trong năm 2021, các nước Bắc Âu nhập khẩu 136.471 tấn gạo, trị giá 169,75 triệu USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,52 triệu USD, tương đương với 5.646 tấn, với giá trung bình là 981 USD/tấn.
“Trước năm 2019, Thụy Điển hầu như không nhập khẩu gạo Việt Nam. Từ năm 2019, với việc vận động, xúc tiến thương mại mặt hàng gạo của Thương vụ để chuẩn bị đón đầu Hiệp định EVFTA kim ngạch nhập khẩu gạo của Thụy Điển từ Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể, từ vài chục đến hơn 100.000 USD đã lên đến 2,79 triệu USD năm 2021. Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Na Uy cũng tăng từ 1,8 triệu USD năm 2018 lên hơn 2,34 triệu USD năm 2021” – theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 2 năm thực thi EVFTA do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Tập đoàn đang xuất khẩu gạo sang 12 quốc gia trong khối EU cho biết, năm 2020 sản lượng được 11.000 tấn, nhưng sau 2 năm EVFTA có hiệu lực, con số này đã tăng gấp đôi.
“Chúng tôi đã có gạo mang thương hiệu riêng xuất khẩu vào Pháp. Sắp tới chúng tôi có kế hoạch mở rộng xuất khẩu thêm sang khu vực Bắc Âu, các nước như Thụy Điển”, ông Hiếu cho hay.
Còn ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá, đối với gạo Việt Nam nói chung và gạo sạch Trung An nói riêng, Hiệp định EVFTA đặc biệt có ý nghĩa vì nó là cơ hội rất lớn cho công ty của tôi và cho cả ngành gạo Việt Nam nâng cao được vị thế và giá trị tại thị trường châu Âu, cũng như tác động lan tỏa ra các thị trường khác.
Theo ông Bình, khi Hiệp định EVFTA chưa có hiệu lực, gạo Việt Nam đã vào châu Âu nhưng với thuế rất cao: từ 5% đến 45% tùy từng quốc gia thành viên liên minh nhập khẩu gạo. Theo đó, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với gạo ở những nước như Campuchia, Myanmar …vì được EU đặc cách, miễn thuế nhập khẩu.
“Với gạo Thái Lan, dù cũng bị đánh thuế nhập khẩu nhưng họ có thương hiệu gạo mạnh và lâu năm, thế giới khi nghe đén gạo Thái Lan người ta tin dùng ngay. Chính vì thế khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt – nhất là trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng với các nước còn lại”, ông Bình phân tích.
Dù vậy, ông Bình cho rằng, dù được thị trường EU đón nhận nhưng so với giá trị thực thì vẫn chưa đúng với tiềm năng: “Người châu Âu sẵn sàng trả mức giá cao nếu chúng ta cung cấp được gạo đạt tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ thì giá còn cao hơn nhiều!”.
Ông Bình chia sẻ, nhiều người cho rằng khi miễn thuế nhập khẩu gạo, châu Âu sẽ tăng độ khó về hàng rào kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Thực tế, việc bảo vệ doanh nghiệp nội nước nào cũng làm, và với châu Âu dù có hay không có EVFTA, tiêu chuẩn chất lượng để nông sản vào thị trường họ cũng không bao giờ thay đổi. Hơn nữa mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo, nên 80.000 tấn gạo nhập của Việt Nam chỉ là số nhỏ, do đó sẽ không bị “nhòm ngó” hoặc giăng hàng rào kỹ thuật để gây khó.
“Điều quan trọng, chúng ta phải làm đúng, đừng nhập gạo thơm từ Campuchia hay Thái Lan sau đó gắn mác gạo Việt để xuất khẩu, hay xuất những loại gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta hãy làm thật tốt hướng đến lâu dài, không chỉ 80.000 tấn gạo được hưởng thuế suất bằng 0, mà làm sao để người châu Âu tin và muốn ăn gạo Việt”, ông Bình khuyến nghị.
Vân Chi