Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực để vượt “cơn gió ngược”

0
78
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Thông tin trên được đưa ra tại Toạ đàm “Dự báo Kinh tế – Vượt cơn gió ngược 2023” tổ chức chiều 27/12, tại Hà Nội.

Tại Tọa đàm, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, dự báo từ các tổ chức tài chính thế giới đến các chuyên gia Việt Nam đều cho rằng, hiện nay, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Đáng chú ý là sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn tác động đến Việt Nam. Song, Việt Nam vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định.

TS. Đinh Thế Hiển cho hay: “Hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế. Nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay chúng ta lo lắng thì năm sau sẽ được tháo gỡ. Hiện nay, các nước đã và đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, trong ba năm từ 2018 – 2021, sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã giúp tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đang từ 33% qua Mỹ giảm xuống 25%. Còn các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã tăng từ 10 – 14%”.

Bước sang năm 2023, TS. Đinh Thế Hiển dự báo, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II.

“Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I,II và sẽ phục hồi tăng vào quý III. Có thể nói, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khẳng định.

Về vấn đề lạm phát, ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty dữ liệu WiGroup nhận định, lạm phát toàn cầu giảm nhanh nhưng lạm phát Việt Nam lại được dự báo sẽ cao trong năm 2023. Chính phủ cũng đưa ra mức lạm phát 5% năm 2023 trong khi các năm trước chỉ là 4%.

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng, lạm phát sẽ cao những tháng đầu năm nhưng giảm dần, khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là ánh sáng cuối đường hầm của một năm 2023 nhiều khó khăn”, ông Báu nói..

Theo khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, kết quả ghi nhận có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.

Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.

Hiện VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, mới nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: “Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực để vượt cơn gió ngược, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ”.

Với vai trò đồng hành với doanh nghiệp, Lãnh đạo VCCI khẳng định, VCCI đề cao sứ mệnh của mình góp phần “hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính” VCCI tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật; tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan.

Đặc biệt, VCCI cũng đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tham gia xây dựng và triển khai các quy hoạch, các liên kết kinh tế vùng và địa phương.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here