“Trái ngọt” sau hai năm thực thi EVFTA

0
101

Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã bước đầu tạo tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu,mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp và được đánh giá là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao trong số những FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Không chỉ quan trọng đối với Việt Nam, EVFTA cũng có ý nghĩa chiến lược đối với EU.

Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, do đó với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EU đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Tăng trưởng ấn tượng

Vào thời điểm 1/8/2020, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Mặc dù trong 2 năm qua, thế giới gặp nhiều biến động, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tận dụng Hiệp định của hai bên, nhưng các số liệu thống kê vĩ mô cho thấy, EVFTA đã góp phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi và giúp quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.

Cụ thể, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (từ 1/8/2020-31/7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tương đương trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lần lượt lên 20,2% và 24,5% trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Trong 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU, như: mặt hàng sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%. Ngoài ra, mặt hàng giày dép và hàng dệt may cũng được ưa chuộng tại thị trường và có mức tăng trưởng tốt, lần lượt là 7,7% và 8,3%.

Đặc biệt, một số mặt hàng Việt Nam chưa từng xuất khẩu sang EU do rào cản kỹ thuật đã có thể bước chân vào thị trường này, trong đó có thể kể đến nhóm hàng gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm có mức tăng trưởng trên 50%; các sản phẩm gốm, sứ cũng có mức tăng trên 25%, hàng rau quả tăng trên 15%. Trước đây, mặt hàng gạo hầu như không xuất khẩu vào EU do không cạnh tranh được với mức thuế cao mà EU đặt ra. Nhưng hiện nay, EVFTA đã cấp hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu cho 80.000 tấn gạo mỗi năm cho Việt Nam.

Lực đẩy cho nhiều nhóm ngành hàng

Theo đánh giá, nông sản là nhóm mặt hàng tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong Hiệp định này, đây cũng là nhóm hàng được ưu tiên tập trung đàm phán để phía EU mở cửa thị trường. Điều này giúp mức độ phổ biến hàng hóa của doanh nghiệp Việt tại EU ngày càng cao, người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng Việt. Hiện khoảng 90% sản lượng nông sản như cà phê, tiêu được xuất qua đối tác thương mại như: Hà Lan, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Đức… và sản lượng ngày càng tăng.

Đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm, khi EVFTA có hiệu lực, tình hình xuất khẩu hàng lương thực và thực phẩm qua EU đã dần cải thiện. Về cơ bản, doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã và đang đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cũng như tiêu chí mà thị trường này đưa ra.

Đối với mặt hàng thủy sản, xuất khẩu thủy sản sang EU thời gian qua đã có những tăng trưởng tốt. Trong bối cảnh lạm phát giá, EVFTA là yếu tố thuận lợi trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU. Hiện nay, nhu cầu các sản phẩm tôm bền vững và hữu cơ ngày càng tăng ở châu Âu. Các sản phẩm ăn liền tiện lợi cũng có nhu cầu cao tại thị trường này.

Với ngành hàng dệt may, EVFTA có hiệu lực đã tác động rất tích cực đến các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu. Hiệp định mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp tăng thêm thị phần và mở rộng nguồn khách hàng mới.

Đáng lưu ý là, sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng, mà đã có sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang một số nhóm có giá trị gia tăng cao hơn so với trước đây. Chẳng hạn, đối với mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường EU, giá trung bình chung cao khoảng gấp đôi so với giá trung bình khi xuất khẩu sang các thị trường khác.

Những rào cản lớn

Sau hai năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã mang lại hiệu quả bước đầu, tạo được xung lực tốt trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp đã từng bước tạo được thương hiệu cho các ngành hàng, tuy nhiên, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng, doanh nghiệp Việt còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Trong đó, vấn đề xúc tiến thị trường là một trong những thách thức không nhỏ của các doanh nghiệp. Tác động của đại dịch Covid-19 ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực đã khiến cho hoạt động xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường bị gián đoạn.

Cùng với đó, EU vẫn là thị trường khó tính với rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí là ngoài những tiêu chuẩn do nhà nước đặt ra, một số đơn vị nhập khẩu còn có những tiêu chuẩn riêng mà họ tự đặt ra. Do đó, để xuất khẩu được sang EU, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…

Ngoài ra, hiện thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Những điều kiện mang tính phức tạp đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có những chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó mới có thể khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững thị trường này.

Đó là chưa kể, thách thức về cạnh tranh với các nước khác từ việc sản xuất năng suất thấp, quy mô nhỏ lẻ, chưa có khu vực sản xuất tập trung dẫn tới chất lượng, số lượng đều có những hạn chế… Tỷ lệ tận dụng ưu đãi (C/O) EVFTA để hưởng thuế quan ưu đãi còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống; cơ chế kết nối giữa các địa phương với các cơ quan bộ, ngành, cơ quan ở nước ngoài trong thúc đẩy thương mại, đầu tư chưa được hoàn thiện; việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các cơ quan, địa phương chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đây là nội dung quan trọng trong EVFTA; việc xây dựng và định vị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường EU vẫn thiếu sự đầu tư bài bản, tư vấn của chuyên gia…

Doanh nghiệp cũng chỉ ra các lực cản có thể khiến họ khó hưởng lợi từ EVFTA và các FTA. Theo khảo sát của VCCI, tác động đáng kể nhất là các biến động và bất định của thị trường (47% doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức tận dụng (40%).

Về công tác xây dựng pháp luật thực thi EVFTA, kết quả rà soát của VCCI cho thấy, trong 2 năm qua, đã có 9 văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành nhằm thực thi các cam kết cụ thể trong 6 chương và 1 nghị định thư của Văn kiện EVFTA. Mặc dù được soạn thảo với tiến độ nhanh hơn thông thường, phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật thực thi EVFTA đều ban hành chậm so với mốc yêu cầu của Hiệp định là ngày 01/8/2020 (trung bình các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại hàng hóa ban hành chậm 66 ngày, các văn bản về quy tắc chậm 632 ngày). Trong khi tất cả các văn bản này đều bảo đảm tuân thủ yêu cầu cam kết (thông qua quy định về áp dụng hồi tố, áp dụng trực tiếp hoặc cách thức khác), việc ban hành chậm vẫn ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả tận dụng cam kết EVFTA giai đoạn đầu của doanh nghiệp.

Về mức độ tương thích, rà soát cho thấy phần lớn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thực thi EVFTA đều tương thích với cam kết của hiệp định mà chúng “nội luật hóa”. Một số trường hợp quy định còn thực hiện các cam kết ở mức cao hơn yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (nhất là các quy định về đấu thầu gói thầu EVFTA).

Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp quy định “nội luật hóa” chưa hoàn toàn bám sát cam kết (ví dụ về sở hữu trí tuệ), đặt thêm điều kiện làm hạn chế quyền hưởng ưu đãi (ví dụ về điều kiện nộp chậm chứng từ xuất xứ), hoặc hiện trạng pháp luật chưa bảo đảm việc thực thi cam kết EVFTA trên thực tế (ví dụ về quyền tự do liên kết của người lao động).

 Thu Giang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here