Nikkei dự báo tăng trưởng của 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN

0
175
Nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Malaysia tăng mạnh do phục hồi hậu đại dịch Covid-19. (Nguồn: Malaysia Today)

Theo một cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei, các nhà kinh tế đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng trong năm tới cho Malaysia và Indonesia, với lý do nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh mẽ.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Malaysia tăng mạnh do phục hồi hậu đại dịch Covid-19. (Nguồn: Malaysia Today)

JCER và Nikkei đã thực hiện cuộc khảo sát mới nhất từ ngày 25/11-15/12, nhận được 34 câu trả lời từ các nhà kinh tế và nhà phân tích ở các nền kinh tế lớn nhất ASEAN (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và Ấn Độ.

Từ kết quả khảo sát, 5 trong số 6 quốc gia được dự đoán sẽ chứng kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm hơn vào năm 2023 so với năm nay do chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng trung ương nhằm làm dịu nền kinh tế.

Tuy nhiên, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Malaysia đã được nâng lên 0,2 điểm lên 4,2% trong năm 2023. Ngoài ra, dự báo tốc độ tăng trưởng cho năm 2022 đã được nâng lên 8,5% từ mức 6,9% trước đó. Nguyên nhân là bởi tại Malaysia các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nước đã phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Sedek Jantan, Trưởng bộ phận tư vấn và nghiên cứu tài sản tại UOB Kay Hian Wealth Advisors nhận định rằng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế Malaysia vượt qua một năm 2023 đầy khó khăn.

Tương tự, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia cho năm 2023 đã được nâng lên thành 5% từ dự báo 4,9% trước đó. Umar Juoro, thành viên cấp cao của Trung tâm Habibie ở Indonesia cho biết: “Mức tiêu dùng và giá cả hàng hóa tăng cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Indonesia vào năm 2022 và có khả năng cũng sẽ có vai trò như vậy vào năm 2023”.

Trong khi đó, dự đoán tăng trưởng năm tới của Philippines, Singapore và Thái Lan đã bị hạ thấp từ 0,1 đến 0,2 điểm xuống lần lượt là 5,3%, 2,1% và 3,5%. Các nhà kinh tế chỉ ra rằng nền kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước này.

Lalita Thienprasiddhi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Kasikorn cho biết: “Do nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc và khách du lịch từ Trung Quốc, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ có tác động mạnh đến Thái Lan”.

“Du lịch nước ngoài của Trung Quốc có thể tiếp tục bị hạn chế, và do đó chúng tôi không mong đợi du lịch đại chúng từ Trung Quốc đến Thái Lan vào năm tới”, ông Lalita Thienprasiddhi nói.

Nhìn chung, nếu tính trung bình thì 5 quốc gia Đông Nam Á nêu trên được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm tới, không thay đổi so với cuộc khảo sát trước đó. Điều đó cho thấy mức tăng trưởng chậm lại so với mức tăng trưởng dự kiến 5,3% trong năm 2022.

Đối với Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm xuống còn 5,6% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,4 điểm so với cuộc khảo sát trước đó, cũng là mức giảm so với mức tăng trưởng dự kiến 6,8% vào năm 2022. Các nhà kinh tế chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ, sẽ tác động đến Ấn Độ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy chính sách tiền tệ của Mỹ và sự suy giảm của nền kinh tế số một thế giới là một trong những rủi ro đáng kể nhất đối với hầu hết các nền kinh tế trong 12 tháng tới. Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan chịu nhiều rủi ro từ các yếu tố bất định của nền kinh tế Trung Quốc.

Lạm phát là một trong những rủi ro hàng đầu ở Indonesia và Philippines, mặc dù tỷ lệ lạm phát tiêu dùng ở 6 nền kinh tế khảo sát nêu trên dự kiến sẽ giảm trong năm tới, dự kiến trong khoảng 2,8% đến 5,6%, so với mức dự kiến từ 3,3% đến 6,8% vào năm 2022.

Do đó, các nhà kinh tế cho biết hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ kết thúc việc tăng lãi suất vào năm 2023, với Philippines dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong quý III của năm.

Hà Phương (theo Nikkei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here