Dự báo thị trường Trung Quốc giảm sút sức mua trong thời gian tới

0
141
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc 10 tháng năm 2022 tăng 23%, nhưng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cũng lưu ý, sản lượng lương thực của nước này đã lập kỷ lục cùng với sức mua sụt giảm bởi Covid-19.

Theo báo cáo xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản thị trường Trung Quốc năm 2022 do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 8,46 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Trung Quốc đạt 3,16 tỷ USD, tăng 23,7%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10/2022 là cao su (chiếm 24,3%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 20,9%), rau quả (chiếm 15,3%), thủy sản (chiếm 14,2%), sắn và sản phẩm từ sắn (chiếm 9,0%), gạo (chiếm 6,4%), hạt điều (chiếm 5,2%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 3,2%).

So với cùng kỳ năm 2022 một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là chè, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, thủy sản, rau quả, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sắn và sản phẩm từ sắn, cà phê, cao su. Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là mây tre đan (giảm 36,6%), hạt điều (giảm 14,4%).

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 12/12, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều với 345 xe, trong đó xe chở hoa quả là 254 xe hoa quả và 91 xe hàng khác.

Cụ thể, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 105 xe (6 xe tại khu trung chuyển và 99 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị), trong đó có 95 xe hoa quả. Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 221 xe, trong đó có 150 xe hoa quả (148 xe chở bằng container lạnh, 2 xe nóng), 71 xe tinh bột sắn. Tại cửa khẩu chính Chi Ma còn tồn 10 xe hạt sen, tinh bột sắn, hạt tiêu.

 

Trong khi đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, sản lượng lương thực nội địa của nước này năm 2022 đạt mức kỷ lục mới là 686,53 tỷ kg, tăng 0,5% so với năm trước. Con số này đánh dấu năm thứ tám liên tiếp tổng sản lượng ngũ cốc của nước này vượt quá 650 triệu tấn.

Năm nay tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc đạt 118,33 triệu ha, tăng 0,6% so với năm ngoái. Khu vực cảng Nam Sa, Quảng Châu đã mở 182 tuyến tàu, trong đó có 150 tuyến tàu thương mại nước ngoài. Từ đó, hàng hóa có thể được phân phối và chuyển tải nhanh chóng thông qua vận tải kết hợp đường sắt, đường thủy và đường bộ.

Hàng hóa từ dây chuyền lạnh nhập khẩu đã được thông quan và xuất xưởng có thể đến tất cả các thành phố lớn trong vòng 1 giờ và có thể đến tất cả các vùng của đất nước trong vòng 24 giờ.

Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố vào hôm 15/11, doanh số bán lẻ trên toàn Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ ngành dịch vụ nhà hàng, chiếm 1/10 tổng thu nhập, giảm 8,1%; doanh số hàng điện tử tiêu dùng và quần áo cũng giảm.

Tiêu dùng tiếp tục ở mức thấp trong tháng 11, từ đầu tháng tới ngày Lễ Độc thân (11/11) – ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm tại Trung Quốc, số lượng đơn hàng giao tận nơi giảm 11% so với cùng giai đoạn năm 2021.

Tập đoàn tài chính Nomura hiện đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý IV từ 2,8% xuống 2,4%. Mức tăng trưởng kinh tế của cả năm 2022 cũng bị hạ từ 2,9% xuống còn 2,8%.

Reuters cảnh báo về sự suy giảm mạnh hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng nội địa, sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực. Đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia – những nước đang xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD sang nước này.

(Phương Thảo/https://mekongasean.vn/)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here