Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam đang là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn sau đại dịch Covid-19 khi được xếp vào nhóm các nước bị ảnh hưởng ít nhất và dự báo sẽ vượt qua “cơn bão” suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì vị thế cũng như tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam cần phải có nhiều giải pháp linh hoạt hơn nữa, nhất là trong bối cảnh thích ứng, an toàn với dịch Covid-19.
Nhiều tín hiệu tích cực
Từ đầu năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nguồn vốn FDI vào nước ta có xu hướng giảm cả về vốn đăng ký và dự án cấp mới. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI là 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong năm 2020, cả nước có 33.070 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD.
Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Điểm nhấn trong năm 2020 là mặc dù số dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư là 1.140 lượt, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vốn đầu tư điều chỉnh tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Kết quả thu hút vốn FDI vào Việt Nam lạc quan hơn từ năm 2021. Theo đó, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng 40,5%. Riêng trong tháng 8/2021, thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, nhưng với nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, nước ta đã thu hút đạt 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7/2021.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020. Cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và số lượt góp vốn mua cổ phần năm 2021 đều giảm so với năm 2020, chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD). Như vậy, việc tăng vốn đầu tư cấp mới, vốn đầu tư điều chỉnh và giảm số lượng dự án cho thấy, quy mô vốn đầu tư bình quân/dự án đầu tư mới cũng như điều chỉnh đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020. Đây được coi là những con số “ấn tượng” trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang sụt giảm mạnh và có nhiều điều chỉnh do tác động từ đại dịch Covid-19.
Riêng 9 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do số vốn đăng ký cấp mới giảm. Vốn đăng ký cấp mới 9 tháng năm 2022 giảm 43% so với cùng kỳ năm trước do vốn đăng ký cấp mới cùng kỳ năm 2021 tăng đột biến 4,41 tỷ USD từ 02 dự án đăng ký cấp mới trong quý I năm 2021, bao gồm: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (nhà đầu tư Singapore, tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD) và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (nhà đầu tư Nhật Bản, tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD). Nếu loại trừ 4,41 tỷ USD tăng đột biến đầu năm 2021 thì tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2022 tăng 5,74% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu nhìn vào số dự án đăng ký đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2022 cũng thấy rõ những tín hiệu tích cực: Cả nước có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021; 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,4%.
Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký so sánh trong giai đoạn 2018-2022 cho thấy, xu hướng rất tích cực của thu hút FDI tại Việt Nam, đó là: tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký 9 tháng năm 2022 đạt 82,3%, là tỷ lệ đạt cao kỷ lục.
Kết quả khảo sát năm 2020 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, có tới 65,8% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam làm ăn có lãi hoặc không lỗ; 63,9% có định hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 1-2 năm tới. Ngoài ra, với chi phí thuê đất, văn phòng, nhân công thấp cũng tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Ông Hirai Shinji – Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh – đánh giá, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch với tổn thất tối thiểu, khi đó dòng vốn FDI (bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Những thách thức mới
Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay cũng đang đặt ra những khó khăn đối với thu hút FDI toàn cầu nói chung và với Việt Nam nói riêng. Theo đó, tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã vượt ra ngoài phạm vi khu vực, gây ra cuộc khủng hoảng trên cả ba lĩnh vực: lương thực, nhiên liệu và tài chính, đẩy giá năng lượng và hàng hóa tăng cao dẫn đến lạm phát và vòng xoáy nợ ngày càng trầm trọng. Điều này đang làm gia tăng tình trạng rủi ro, làm suy giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, ảnh hưởng đáng kể tới đà phục hồi FDI toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm khoảng 40% trong năm 2020, tiếp tục giảm 5%-10% trong năm 2021 và từ năm 2022 sẽ bắt đầu phục hồi chậm trở lại. Còn theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc, thì mức phục hồi ngắn hạn trong đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển cũng chỉ đạt 5,7%, thấp hơn nhiều so với con số 10,8% của năm 2010 (sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu) (Nguyễn Thị Kim Nhã, 2021).
Thời gian qua, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam; đặc biệt tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế. Cùng với đó, lãi suất đồng USD tăng, các nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, một mặt phải “cản” được dòng vốn FDI kém chất lượng, mặt khác, cạnh tranh được để có thể đón dòng vốn đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc sau dịch Covid-19 nói riêng, cũng như dòng vốn đang dịch chuyển vào khu vực châu Á nói chung. Đặc biệt, cơ hội thu hút dòng vốn FDI đi kèm với thách thức là những ngành sản xuất quan trọng bị thâu tóm, chất lượng đầu tư kém. Sự chuyển dịch sản xuất cần đi kèm với quyết tâm thoát khỏi hình ảnh quốc gia có hoạt động gia công đơn thuần.
Hướng đi nào cho dòng vốn FDI tại Việt Nam?
Để đẩy mạnh việc thu hút và có chọn lọc vốn FDI chất lượng cao vào nước ta trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế nhận định cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, để phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả và phát triển kinh tế, tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 phủ rộng cho nhân dân, để đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Từ đó, tạo cơ sở quan trọng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường, trong đó có thúc đẩy dòng vốn FDI vào nước ta.
Thứ hai, chú trọng đến chất lượng nguồn vốn FDI. Cụ thể, cần thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Big Data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển…Ngoài ra, cần đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba, Chính phủ, bộ, ban ngành và địa phương luôn phải chia sẻ, lắng nghe doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng để giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh. Đây là yếu tố giúp Việt Nam giữ được việc làm, giải quyết khó khăn hậu đại dịch Covid-19. Điều đặc biệt quan trọng hiện nay là các quy định phòng, chống dịch Covid-19 phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ tư, để thu hút được dòng FDI có chất lượng, có công nghệ cao và sức lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, vật lực, cụ thể là:
Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.
Các địa phương cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, thì các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp hội viên.
Thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài về luật và chính sách điều chỉnh hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp…
Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp FDI nói riêng, doanh nghiệp nói chung trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm, trong bối cảnh mua – bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài, Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, đặc biệt cần xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn.
Thứ sáu, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, vì sản xuất xanh, phát triển xanh là xu hướng chung, xu hướng tất yếu mà Việt Nam nên đi theo. Lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, khả năng chống chịu với sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.
Văn Thời