Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế điều hành và quản lý giá điện

0
93

Cơ chế quản lý, điều hành giá điện đóng vai trò quan trọng đối với các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại nhiều nước và nhiều nền kinh tế. Tuy các nước áp dụng những mô hình mua bán, đàm phán, quản lý giá điện khác nhau song trước biến động mạnh giá cả thời gian qua, nhiều chính quyền quan tâm cao các biện pháp nhằm ổn định giá cả và hỗ trợ người tiêu dùng, trong đó chú trọng các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương, các ngành sản xuất quan trọng gắn với khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, chú trọng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu nhằm phục vụ tăng trưởng bền vững tại các nước, các nền kinh tế.

  1. Giá điện thế giới tiếp tục tăng cao trước tác động của tình hình tại Ukraine và các yếu tố cung – cầu.

Giá điện, năng lượng tăng cao đã khiến chi phí sinh hoạt tăng trung bình 7% tại khu vực EU, trong đó một số nước như Anh ghi nhận giá điện tăng 80% so với năm 2021, Hungary ghi nhận mức tăng gấp đôi so với giai đoạn trước xung đột. Giá điện tại Thái Lan đã chạm mức cao kỷ lục, đạt 4,72 baht/kWh (khoảng 3.300 VNĐ), vượt qua mức đỉnh 3.96 baht trong năm 2014. Giá điện tại Brazil tăng 114% so với năm 2015, với mức tăng trung bình hàng năm đạt 16,3% trong giai đoạn 2015 – 2021.

Một số yếu tố làm tăng giá điện trong thời gian gần đây gồm: (i) Biến động mạnh trên thị trường năng lượng toàn cầu (dầu thô, khí đốt…) do tác động cộng hưởng của tình hình tại Ukraine, gia tăng các chi phí đầu vào, biến động tỷ giá giữa đồng USD và nhiều đồng tiền; (ii) Tác động của việc mở rộng các hoạt động sản xuất tại nhiều nước sau khi dỡ bỏ hạn chế, phong tỏa nhằm phòng chống dịch bệnh; (iii) Các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn cầu (nắng nóng tại Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng gấp 05 lần tại một số bang; tiêu thụ điện tại một số địa phương của Trung Quốc trong tháng 7 – 8/2022 đã vượt ngưỡng kỷ lục năm 2020).

  1. Các nước và các nền kinh tế đẩy mạnh các biện pháp ứng phó

Nhìn chung, giá điện tại nhiều nền kinh tế được điều chỉnh dựa trên cơ sở cung – cầu, chi phí sản xuất (biến động giá từ phía tác đối tác cung ứng, giá đầu vào, một số loại thuế, phí, tỷ giá…). Do giá điện là yếu tố cấu thành chi phí sản xuất và tiêu dùng quan trọng, nhiều chính quyền đã can thiệp điều hành giá và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Một số biện pháp bao gồm:

2.1. Tăng giá điện có chọn lọc đối với các đối tượng tiêu dùng cao, ban hành quy định bắt buộc và khuyến khích tiết kiệm điện

– Thực hiện tăng giá điện có chọn lọc đối với các đối tượng tiêu thụ nhiều điện. Đài Loan nâng giá điện ở mức 15% đối với doanh nghiệp sử dụng điện công nghiệp lớn, sử dụng điện áp cao và 9% với hộ gia đình tiêu thụ nhiều điện (trên 1.000 kWh/tháng). Giá điện được giữ nguyên với các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình tiêu thụ dưới 1.000 kWh/tháng (chiếm 97% tổng số hộ gia đình), các trường học và người tiêu dùng điện áp cao bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19[1]. Đức dự kiến đánh thuế tiêu thụ khí đốt ở mức 1,5 – 5 cent/Kwh từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng.

– Một số nước triển khai các biện pháp bắt buộc tiết kiệm điện đối với người dân. Ai Cập ban hành quy định tiết kiệm sử dụng điện trên toàn quốc, khống chế mức điều hòa nhiệt độ ở 25C trong tất cả công sở, siêu thị, hạn chế, giảm bớt thời gian chiếu sáng đường phố, đèn quảng cáo… Brazil ban hành “Biểu giá cờ” (gồm các màu xanh, vàng, cam và đỏ) biểu thị trên mỗi hóa đơn điện nhằm thông báo cho người sử dụng mức độ điện tiêu thụ hàng tháng để tự điều chỉnh, đồng thời áp dụng phụ thu phí khi sử dụng quá mức năng lượng (cờ vàng, cờ cam và cờ đỏ)[2].

2.2. Đẩy mạnh hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động thu nhập thấp, dễ bị tổn thương

Các nước đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ có mục tiêu hướng đến người dân, người lao động thu nhập thấp, bị ảnh hưởng lớn do giá điện gia tăng, cụ thể: (i) Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân có thu nhập thấp, cấp phiếu giảm thuế, giảm giá điện[3]; (ii) Trợ cấp giá điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ[4]; (iii) Tăng mức hỗ trợ của các chương trình phúc lợi xã hội sẵn có, tăng mức lương tối thiểu, lương hưu và lương công chức cho người lao động[5]. Nga thực hiện bồi hoàn hóa đơn tiền điện cho một số nhóm đối tượng như người tàn tật, cựu chiến binh, thành viên gia đình quân nhân tử vong trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, quân nhân phục vụ trong quân đội từ 20 năm trở lên ở mức từ 30 – 100% tùy theo loại đối tượng.

Việc thực hiện chính sách tài khóa có mục tiêu hướng đến người dân, người lao động có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn là giải pháp được nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế khuyến nghị do có thể bảo đảm tính kịp thời và hạn chế gia tăng áp lực đến ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm các nước cho thấy cần chú trọng cả khâu chuẩn bị và thực thi chính sách, nhất là xác định trước danh sách các đối tượng thụ hưởng để bảo đảm hỗ trợ chính xác, kịp thời.

2.3. Đa dạng hóa nguồn cung ứng, sản xuất điện và đẩy mạnh hợp tác quốc tế  

– Các nước một mặt tiếp tục thực hiện các lộ trình, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững, ưu tiên năng lượng tái tạo. Mặt khác, các nước trước mắt chú trọng tăng cường sản xuất điện trong nước, hỗ trợ, cắt giảm chi phí sản xuất điện. Trung Quốc thực hiện tự do hóa hoàn toàn điện sản xuất từ than đá[6], miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho các nhà máy điện than để mua trữ than, gỡ bỏ trần khai thác với các mỏ than, đồng thời đẩy các nhà máy điện gió và điện mặt trời công suất lớn ở các sa mạc để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hungary khôi phục lại 02 nhà máy điện than, đồng thời có kế hoạch tăng công suất thêm 2.400 MGW tại nhà máy điện hạt nhân; một số nước châu Âu đang xem xét khả năng tăng cường khai thác điện hạt nhân. Hàn Quốc yêu cầu khu vực doanh nghiệp nhà nước (điện, gas, dầu khí, giao thông…) đi đầu tự cải tổ, cắt giảm tối đa chi phí và thoái vốn khỏi các lĩnh vực không liên quan.

– Thúc đẩy hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu điện. Singapore đa dạng hóa nguồn cung điện nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ Malaysia; theo đó, tiến hành đàm phán mua điện với Lào, Indonesia, Thái Lan. Rumani tham gia lập kế hoạch các dự án khi đốt cùng với các nước Hy Lạp, Bungari, Hungary, Serbia, Moldova, Ukraine… Các nước EU tăng mua khí LNG từ Mỹ, Qatar và Ốt-xtrây-li-a để thay thế khí đốt của Nga.

Trung Quốc ban hành Chiến lược năng lượng quốc gia và chính sách an ninh năng lượng với với 02 trụ cột về chính sách năng lượng đối nội và chính sách năng lượng đối ngoại[7]. Về đối ngoại, Trung Quốc thiết lập, làm sâu sắc hợp tác năng lượng với các khu vực và quốc gia có dự trữ năng lượng lớn như Trung Đông, Mỹ La-tinh, Châu Phi, Trung Á, Đông Nam Á và Nga, đẩy mạnh hợp tác năng lượng trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), khởi xướng việc thiết lập quan hệ đối tác năng lượng BRI.

  1. Cơ chế mua bán, đàm phán, xác định giá điện tại một số nước

Hiện có ba mô hình cơ chế mua bán, đàm phán, xác định giá điện phổ biến trên thế giới, bao gồm: 1) Chính phủ trực tiếp quy định, điều chỉnh khung giá điện; 2) Chính phủ ủy quyền cho một cơ quan đàm phán với đối tác về giá điện; và 3) Người dân trực tiếp đàm phán giá điện với nhà sản xuất, phân phối.

3.1. Giá điện do Chính phủ quy định được điều chỉnh theo từng giai đoạn dựa trên yêu tố cung – cầu, chi phí cấu thành sản phẩm. Theo đó, giá điện được điều chỉnh dựa trên những biến động về giá từ phía tác đối tác xuất khẩu điện, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, một số loại thuế, phí (như thuế giá trị gia tăng, phí phát thải CO2, chi phí thời tiết…), tỷ giá giữa đồng nội tệ và ngoại tệ chuyển đổi. Trung Quốc, Nga ban hành biểu giá điện nhiều bậc, dựa trên đối tượng, tổng lượng, thời điểm tiêu thụ, mục đích sử dụng, địa bàn phân phối, nguồn cung cấp và thời tiết. Trung Quốc chia hệ thống giá điện làm 03 loại: điện sinh hoạt, điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và điện phục vụ sản xuất công – thương nghiệp; mỗi địa phương áp dụng mức giá trung bình khác nhau dựa trên khả năng sản xuất, cung ứng và tổng lượng tiêu thụ điện (tổng lượng tiêu thụ càng cao thì đơn giá càng cao), giá điện khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cao hơn khu vực thành thị, đồng bằng, điện sản xuất từ năng lượng tái tạo thường có mức giá cao hơn điện than[8] do cộng thêm chi phí đầu tư công nghệ, hạ tầng. Đài Loan tính giá điện dựa trên 05 nhóm đối tượng/khách hàng[9] và thời tiết trong năm: giá điện mùa hè sẽ cao hơn so với các tháng còn lại do nhu cầu lớn, phải khởi động thêm các tổ máy[10]. Giá điện do các địa phương ban hành tại Nga phải phù hợp với quy định về giá tối thiểu, giá tối đa do Cơ quan Chống độc quyền Liên bang quy định.

Brunei chia hệ thống giá điện làm 02 loại: điện sinh hoạt và điện sản xuất với mức đơn giá tăng tiệm tiến theo nhu cầu sử dụng[11]. Lào đàm phán với nhà đầu tư về tỷ lệ điện sẽ bán ra thị trường (trong và ngoài nước); nhà đầu tư đàm phán với đối tác khách hàng nước ngoài trên cơ sở hiệp định khung giá đã được ký kết với chính phủ; giá bán tiêu dùng nội địa áp dụng theo bảng giá được được chính phủ quy định.

3.2. Tại các nước áp dụng mô hình chính phủ ủy quyền cho một cơ quan, doanh nghiệp nhà nước làm đầu mối mua điện, chính phủ duy trì vai trò độc quyền trong khâu truyền tải, phân phối và bản lẻ điện, cổ phần hóa các doanh nghiệp sản xuất điện để bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường. Thái Lan triển khai mô hình doanh nghiệp điện lực là nước (Công ty điện lực Thái Lan – EGAT), là đơn vị duy nhất mua và phân phối điện cho các doanh nghiệp thành viên tại địa phương và bán lẻ đến người tiêu dùng. EGAT ký hợp đồng mua điện với các doanh nghiệp sản xuất điện với thời hạn 25 năm, đơn giá được tính trên cơ sở giá bán điện năng (Feed-in Tariff). Hàn Quốc thành lập Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) để mua điện từ các đối tác sản xuất và Công ty Korea Power Exchange (KPX) để đảm nhận chức năng vận hành hệ thống điện và trên thị trường điện[12]. Pháp có kế hoạch quốc hữu hóa Tập đoàn điện lực quốc gia nhằm thúc đẩy tự chủ năng lượng và hướng tới các mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững hơn.

3.3. Một số nước “thả nổi” giá điện theo cơ chế thị trường, cho phép khách hàng, công ty sản xuất, phân phối đàm phán và thống nhất về giá. Brazil tổ chức đấu giá điện phân phối tới khách hàng với sự tham dự của các nhà sản xuất, nhập khẩu, truyền tải năng lượng độc lập; người tiêu dùng trực tiếp thương lượng các điều khoản với đại lý. Hungary tổ chức mua bán điện thông qua sàn giao dịch năng lượng (giá bán điện của từng hợp đồng phụ thuộc vào sản lượng mua, giá tham chiếu của sàn giao dịch năng lượng, thời hạn hợp đồng mua bán, bảo lãnh ngân hàng và loại tiền sử dụng để thanh toán). Rumani tự do hóa hoàn toàn thị trường điện cho các hộ gia đình từ năm 2021, cho phép người tiêu dùng so sánh giá của các nhà cung cấp và đưa ra lựa chọn phù hợp. Singapore phân loại thị trường mua – bán điện thành thị trường bán buôn điện và thị trường bán lẻ. Thị trường bán buôn điện bao gồm các công ty phát điện với yêu cầu phải đấu thầu bán điện trên thị trường bán buôn điện nửa giờ một lần (giá điện trên thị trường bán buôn thay đổi nửa giờ một lần). Các nhà bán lẻ điện mua điện với số lượng lớn từ thị trường bán buôn điện và bán cho người tiêu dùng. Từ năm 2001, Singapore đã mở cửa thị trường bán lẻ điện, tạo điều kiện để người tiêu dùng mua điện với giá cả cạnh tranh với nhiều ưu đãi khác nhau, trong khi vẫn được hưởng cùng một nguồn cung cấp điện.

Cơ chế quản lý, điều hành giá điện đóng vai trò quan trọng đối với các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại nhiều nước và nhiều nền kinh tế. Tuy các nước áp dụng những mô hình mua bán, đàm phán, quản lý giá điện khác nhau song trước biến động mạnh giá cả thời gian qua, nhiều chính quyền quan tâm cao các biện pháp nhằm ổn định giá cả và hỗ trợ người tiêu dùng, trong đó chú trọng các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương, các ngành sản xuất quan trọng gắn với khuyến khích tiết kiệm năng lượng.

Chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, chú trọng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu nhằm phục vụ tăng trưởng bền vững tại các nước, các nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng trong ngắn hạn khi các bất ổn toàn cầu gia tăng, các nước chú trọng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đẩy mạnh sản xuất trong nước, thúc đẩy hợp tác quốc tế và “ngoại giao năng lượng”. Một số nền kinh tế lớn tăng cường vai trò dẫn dắt tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương có nội hàm về năng lượng. Các nền kinh tế đang nổi, đang phát triển khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các dự án sản xuất điện, thúc đẩy hợp tác song phương và đa dạng hóa nguồn cung ứng điện./.

(Quản Phương Thúy – Vụ THKT)

[1] Bao gồm những người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp thực phẩm, cửa hàng bách hóa, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục.

[2] Cụ thể: (i) Cờ xanh biểu thị mức sử dụng năng lượng hợp lý, không cần trả thêm phụ phí. (ii) Cờ vàng biểu thị việc sử dụng quá mức năng lượng, phụ thu thêm 0,01874 Real/kWh điện tiêu thụ; (iii) Cờ cam biểu thị việc sử dụng quá mức năng lượng, phụ thu thêm 0,03971 Real/kWh điện tiêu thụ; (iv) Cờ đỏ biểu thị việc sử dụng quá mức năng lượng, phụ thu thêm 0,09492 Real/kWh điện tiêu thụ;

[3] Singapore hỗ trợ người dân tiền mặt 300 SGD và khoản hỗ trợ giảm giá 100 SGD khi thanh toán các tiện ích như tiền điện, nước, gas

[4] Thái Lan trợ cấp giá điện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng dưới 300 kWh/tháng từ tháng 5 – 8/2022.

[5] Đài Loan hỗ trợ tăng lương cơ bản cho người lao động với mức tăng khoảng 5,21%. Singapore hỗ trợ chi trả 75% mức tăng lương đối với các lao động có lương tối đa 2.500 USD/tháng. Mexico tăng lương tối thiểu 22% trong năm 2022. Hàn Quốc tăng lương tối thiểu thêm 5%. Nga tăng lương hưu, lương tối thiểu thêm 10%. Ốt-xtrây-li-a tăng lương cơ bản 5,2% để hỗ trợ người lao động.

[6] 100% điện sản xuất từ nhiệt điện sẽ được định giá thông qua giao dịch thị trường.

[7] Chính sách năng lượng đối nội gồm cơ cấu, phân bổ, tiêu dùng, phát triển các nguồn năng lượng mới, chính sách bảo vệ môi trường. Chính sách năng lượng đối ngoại gồm đa dạng hóa nguồn cung, bảo đảm nguồn cung ổn định, giá cả, hợp tác quốc tế về an ninh năng lượng, an toàn của các tuyến vận chuyển năng lượng.

[8] Giá điện sinh hoạt tại Trung Quốc khoảng 0,56 – 0,62 NDT (khoảng 1.500 VNĐ)/số điện, tăng lũy tiến theo các bậc 1, 2, 3, trong đó bậc 1 thường là 200 số đầu, bậc 2 tính từ số điện thứ 201 đến 450, bậc 3 tính từ số điện thứ 450 trở lên. Giá điện sinh hoạt tại Bắc Kinh theo thứ tự các bậc 1, 2, 3 lần lượt là 0,488 NDT/số, 0,538 NDT/ số và 0,788 NDT/số. Giá điện sinh hoạt tại tỉnh Hồ Nam lần lượt là 0,588 NDT/số, 0,638 NDT/số và 0,888 NDT/số. Giá điện sinh hoạt tại Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây lần lượt là 0,528 NDT/số, 0,578 NDT/số và 0,828 NDT/số.

Giá điện sản xuất khoảng 0,86 – 1,80 NDT/số, phụ thuộc vào khu vực hoặc tổng lượng tiêu thụ. Giá điện sản xuất nông nghiệp tại Hồ Nam được tính như sau: Khu vực thành thị 0,648 NDT/số, khu vực đồng bằng 0,668 NDT/số, miền núi 0,728 NDT/số. Giá điện sản xuất công – thương nghiệp tại khu vực thành thị là 0,940 NDT/số, khu vực đồng bằng là 0,970 NDT/số, khu vực miền núi là 1,022 NDT/số.

[9] 05 nhóm đối tượng/khách hàng gồm: (i) Bao cấp gồm đèn đường công cộng, còi báo động; (ii) Đèn công tơ (nhà ở, văn phòng) gồm nhà ở, cửa hàng nhỏ, văn phòng, cơ quan tổ chức, trường học và các tổ chức khác; (iii) Điện áp thấp gồm cơ quan tổ chức, trường học, siêu thị, trung tâm mua sắm nhỏ, nhà máy vừa và nhỏ; (iv) Điện áp cao gồm nhà máy, cửa hàng bách hóa, tổ chức và trường học có công suất theo hợp đồng từ 100 KW trở lên và (v) Điện siêu cao áp gồm các nhà máy, tàu điện ngầm, đường sắt và sân bay với công suất theo hợp đồng hơn 1.000 KW.

[10] Về nhóm đối tượng bao cấp, Đài Loan sẽ thu như sau: đèn đường sử dụng dưới 100W, mỗi tháng thu 92,74 NT$ /đèn (tỉ giá 1 USD đổi 30 NT$), vượt thêm từ 1 – 100W thu thêm 74,81 NT$/đền. Các thiết bị nhỏ sử dụng dưới 50W, mỗi tháng thu 81,53 NT$/thiết bị, vượt thêm 1 – 50W thu thêm 54,54 NT$. Đèn chỉ huy giao thông: Mỗi tháng mỗi ngã đường thu 483,87 NT$/cụm. Về nhóm đối tượng đèn công tơ, điện áp thấp, nhà ở và nhà ở không kinh doanh sử dụng dươi 120 số/tháng thu 1,63 NT$/số; 121 – 330 số/tháng thu 2,38 NT$/số vào mùa hè và 2,10 NT$/số vào mùa khác, 331 – 500 số//tháng thu 3,52 NT$/số vào mùa hè và 2,89 NT$/số vào mùa đông. Đối với hộ kinh doanh sử dụng dưới 330 số/tháng thu 2,53 NT$/số vào mùa hè và 2,12 NT$/số vào mùa khác; 331 – 700 số/tháng thu 3,55 NT$/số vào mùa hè và 2,91 NT$/số vào mùa khác. Về nhóm đối tượng điện áp cao và siêu cao áp, giá điện cơ bản sẽ tính theo các loại hợp đồng. Hợp đồng lâu dài: mỗi tháng mỗi kW thu 223,6 NT$ vào mùa hè và 166,9 NT$ vào mùa khác đối với điện cao áp và 217,3 NT$ vào mùa hè và 160,6 NT$ vào mùa khác đối với điện siêu cao áp. Hợp đồng không vào mùa hè, mỗi tháng mỗi kW thu 166,9 NT$ vào mùa khác với điện áp cao và 160,6 NT$ vào mùa khác đối với điện siêu cao áp. Đối với hợp thồng thứ 7 nửa giờ cao điêm và Hợp đồng tách rời cao điểm, mỗi tháng mỗi kW thu 44,7 NT$ vào mùa hè và 33,3 NT$ vào mùa khác đối với điện áp cao và 43,43 NT$ vào mùa hè và 31,1 NT$ vào mùa khác đối với điện siêu cao áp.

[11] Mức giá điện sinh hoạt cho từ 1 kwh – 600 kwh là 0,01 đô-la Brunei/kwh, 600 kw – 2.000 kwh là 0.08 đô-la Brunei/kwh, 2001 – 4000 kwh là 0,1 đô-la Brunei/kwh, trên 4.000 kwh là 0,12 đô-la Brunei/kwh. Đối với điện sản xuất, mức giá cho 10 đơn vị đầu tiên là 0.2 đô-la Brunei/đơn vị, 100 đơn vị thứ hai là 0.07 đô-la Brunei/đơn vị, 100 đơn vị thứ ba là 0,06 đô-la Brunei/đơn vị.

[12] Hàng tháng, chính phủ Hàn Quốc sẽ dựa trên số liệu do các nhà máy điện cung cấp (chi phí nhiên  liệu, chi phí khởi động, đặc tính kỹ thuật tổ máy…) để xác định, công bố chi phí phát điện biến đổi của nhà máy trong tháng tới, làm cơ sở để các công ty phát điện nộp bản chào để thương lượng công suất sẵn sàng của từng nhà máy điện trong từng giờ giao dịch. Dựa trên các bản chào, chi phí biến đổi của các nhà máy điện, KPX sẽ lập lịch tính giá thị trường cho từng giờ giao dịch. Lịch tính giá thị trường được lập theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, không xét đến các ràng buộc lưới truyền tải và ràng buộc về dự phòng hệ thống, cũng như không xét đến ràng buộc nhiên liệu sơ cấp của các nhà máy điện. Giá thị trường được tính bằng chi phí biến đổi của tổ máy đắt nhất được xếp lịch, sau đó KPX công bố giá thị trường cho từng giờ giao dịch.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here