Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

0
131
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định về tiềm năng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nền kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn giản là “khắc phục” các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, mà đó là một quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm duy trì và tái tạo vốn tự nhiên, thứ mà con người, cộng đồng và nền kinh tế phụ thuộc vào.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định về tiềm năng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp Việt Nam. (Nguồn: UN)

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội kinh tế trị giá 4,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% vào giá trị gia tăng quốc gia, đóng vai trò quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Bà Ramla Khalidi cho rằng việc cần làm hiện nay là đảm bảo rằng các doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cần thiết để chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng, phù hợp với chính sách quốc gia về kinh tế tuần hoàn và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Theo bà Ramla Khalidi, các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc mở rộng mô hình kinh doanh tuần hoàn, áp dụng công nghệ ít carbon, chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng xanh hơn.

Trong quá trình hợp tác với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi kinh tế tuần hoàn cho hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, xây dựng, thương mại điện tử, sản xuất, hậu cần, môi trường và xử lý chất thải…, UNDP đã rút ra được ba bài học lớn.

Thứ nhất, tất cả các khóa đào tạo chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải dễ tiếp cận, có thể nhân rộng và bền vững. Đây là lý do cho việc thành lập nhóm Quản trị về kinh tế tuần hoàn bao gồm 4 trường đại học và vườn ươm trên khắp Việt Nam. Nhờ đó, các trường đại học triển khai các chương trình đào tạo mới dựa trên kiến thức được tạo ra cùng nhau.

Đồng thời, tất cả các tài liệu đều có sẵn trên trang web của Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) bằng tiếng Việt cho mọi học viên đều có thể tiếp cận, sử dụng.

Thứ hai, cần xây dựng năng lực của các hệ sinh thái để từ đó cung cấp các giải pháp tuần hoàn thiết thực cho doanh nghiệp.

Thông qua chương trình, UNDP đã làm việc trực tiếp với các đối tác (như Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế,…. để thúc đẩy các đổi mới cấp cơ sở và tuần hoàn.

Thứ ba, UNDP xác định chuyển giao công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật là những yếu tố hỗ trợ chính cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh doanh và thiết lập thị trường kinh tế tuần hoàn quốc gia, trong các lĩnh vực như xử lý nước thải, thiết kế sinh thái và tái chế cũng như phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp.

Kết luận, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng chỉ bằng cách chung tay, thúc đẩy giao tiếp, chia sẻ kiến thức và công nghệ, mới có thể thúc đẩy việc tiếp thu các thông lệ chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đồng thời thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp Việt Nam để tăng cường năng lực và lập kế hoạch kinh doanh liên tục, đồng thời thúc đẩy trao đổi và hợp tác trực tiếp giữa Trung tâm Kinh tế tuần hoàn Việt Nam và các mạng lưới khác”, bà Ramla Khalidi khẳng định./.

Thu Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here