Vượt Nhật Bản, Việt Nam sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc

0
374
Tập đoàn công nghệ Samsung của Hàn Quốc là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Tính tới tháng 11/2022, quy mô thương mại Hàn-Việt đạt 81,1 tỷ USD. Dự kiến, Việt Nam sẽ vượt qua Nhật Bản (78,4 tỷ USD) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ.

Tập đoàn công nghệ Samsung của Hàn Quốc là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Theo mạng world.kbs.co.kr, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) ngày 21/12 công bố kết quả phân tích về sự thay đổi đầu tư, thương mại giữa hai nước giai đoạn 1992-2021.

Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam đã liên tục tăng kể từ mức 300 triệu USD vào năm 1992, dự kiến đạt 31,3 tỷ USD trong năm 2022, gần như chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ (25,4 tỷ USD) để vươn lên vị trí thứ nhất.

Tính tới tháng 11/2022, quy mô thương mại Hàn-Việt đạt 81,1 tỷ USD. Dự kiến, Việt Nam sẽ vượt qua Nhật Bản (78,4 tỷ USD) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ.

Năm 1992, quy mô thương mại Hàn-Việt đạt 500 triệu USD, đến năm 2021 đã tăng gấp 161 lần lên 80,7 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian này, xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc tăng 8,4 lần và 7,5 lần, nhưng riêng xuất – nhập khẩu với Việt Nam đã tăng lần lượt 142 lần và 240 lần.

Kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ba mặt hàng có tổng giá trị xuất khẩu lớn nhất là chip bán dẫn, màn hình phẳng và cảm biến, thiết bị vô tuyến viễn thông. Trong 3 năm, từ năm 2019-2021, xuất khẩu ba mặt hàng này đã có mức tăng lần lượt là 32%, 23,3% và 37,2%.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2021, Hàn Quốc đứng đầu với 9.203 dự án đầu tư, với tổng giá trị đầu tư là 78,5 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 17 triệu USD năm 1992 lên 2,4 tỷ USD năm 2021.

Tập đoàn công nghệ Samsung là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm nay, tập đoàn này đầu tư thêm 2 tỷ USD, dự kiến nâng tổng vốn đầu tư lên thành 20 tỷ USD.

FKI chỉ ra rằng, chính phủ hai nước gần đây đã nâng tầm quan hệ lên mức cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện” nên Chính phủ Hàn Quốc cần tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam ở các lĩnh vực đa dạng để hai bên cùng phát triển.

Giới doanh nghiệp đang đặt mục tiêu nâng quy mô thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030, gấp đôi so với hiện nay.

Về quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, tại Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, ngày 28/10, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch song phương năm 2021 đạt 78 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2020.

Hàn Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Cũng theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc đạt 66,8 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng này thì hai bên có khả năng hoàn thành mục tiêu kim ngạch 100 tỷ USD vào năm 2023 như lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục yêu cầu phía Hàn Quốc tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Đề nghị Hàn Quốc hợp tác để nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2023 lên 100 tỷ USD, năm 2050 đạt 150 tỷ USD theo hướng cân bằng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 9/2022, Hàn Quốc đã có khoảng 9.438 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 80,5 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Về viện trợ phát triển chính thức, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc).

Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hằng năm đạt hơn 500 triệu USD, trong đó 90% là vốn ODA và 10% là vốn viện trợ không hoàn lại.

Liễu Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here