Hướng tới mục tiêu ‘net Zero’: Cách tiếp cận của ASEAN về định giá carbon đang như thế nào?

0
265
(Nguồn: Forbes.)

Gần đây, ngày càng có nhiều sáng kiến bắt đầu bén rễ khi các quốc gia có nhiều thông tin hơn về những lợi ích tiềm năng mà những cơ chế định giá carbon có thể mang lại.

Các quốc gia ASEAN đang tích cực xem xét tiềm năng của các cơ chế định giá carbon để thúc đẩy chính phủ và doanh nghiệp hướng tới việc giảm lượng khí thải. (Nguồn: Forbes.)

Thực tế, các phương pháp tiếp cận định giá carbon trong khu vực ASEAN trong ba thập kỷ qua chưa được quan tâm nhiều do những lo ngại xung quanh các hạn chế tiềm ẩn đối với tăng trưởng kinh tế và khả năng tiếp cận năng lượng.

Trong số các quốc gia ASEAN, Singapore gần đây nhất đã nêu sáng kiến tạo ra cơ chế định giá carbon bằng cách đưa ra thuế carbon vào năm 2019 với mức 5 SGD (3,7 USD)/tCO2e (tấn CO2 tương đương). Thuế được áp dụng thống nhất trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng cũng như những lĩnh vực liên quan đến thương mại nhằm tạo ra mức giá công bằng, nhất quán và minh bạch trong toàn bộ nền kinh tế. Quốc gia này bày tỏ ý định chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, tiết kiệm năng lượng và coi thuế là cách hiệu quả về mặt kinh tế để thực hiện điều đó.

Singapore cũng là nơi đặt trụ sở của Climate Impact-X (CIX), một sáng kiến tư nhân nhằm trao đổi tín chỉ carbon tập trung vào các giải pháp thân thiện với môi trường. CIX đã hoàn thành phiên đấu giá thí điểm vào tháng 11/2022, trong đó các khoản tín chỉ carbon đã được mua và phát hành, tương đương với 170.000 tấn carbon. Các khoản tín chỉ này được liên kết với các dự án rừng ở châu Phi, châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Công ty cũng cung cấp nền tảng để thu hút đầu tư vào các nỗ lực giảm phát thải.

Ở những nơi khác trong khu vực, các quốc gia thành viên đã xem xét khả năng áp dụng các cơ chế định giá riêng dưới hình thức thuế, thị trường carbon tự nguyện và các kế hoạch mua bán khí thải. Đầu năm 2022, Indonesia thông báo kế hoạch áp dụng thuế carbon riêng ở mức 30 rupiah (0,19 xu Mỹ)/tCO2e thông qua chương trình thí điểm nhằm vào các nhà máy đốt than. Nước này cũng đang xem xét khả năng giới thiệu Cơ chế mua bán khí thải đối với ngành điện vào năm 2024 và cơ chế bù đắp carbon trong nước có tên Giảm phát thải được chứng nhận của Indonesia (ICER).

Thái Lan giới thiệu thị trường carbon có tên FTIX do Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan điều hành. Nền tảng này bao gồm 12.000 công ty tư nhân trong 45 lĩnh vực, cho phép các công ty và cơ quan chính phủ mua bán tín chỉ carbon, theo dõi lượng khí thải bằng bảng điều khiển trực tuyến. Chương trình bù đắp carbon của Thái Lan cũng đã được phát triển để cho phép các tổ chức khu vực công và tư nhân bù đắp lượng khí thải. Quốc gia này hiện đang phát triển một kế hoạch mua bán khí thải tự nguyện được thí điểm trong ngành năng lượng.

Tại Malaysia, các cơ chế định giá carbon hiện đang tồn tại dưới hình thức thực hành Định giá Carbon nội bộ (ICP) được duy trì bởi ba công ty lớn, bao gồm Tập đoàn Sunway, Ngân hàng CIMB và Ngân hàng Malayan Bank Berhad (Maybank). Mỗi công ty đều có cơ chế định giá carbon được áp dụng cho lượng khí thải nằm dưới sự kiểm soát nội bộ của họ. Tập đoàn Sunway có mục tiêu năng lượng gắn liền với Đơn vị Kinh doanh (BU) cụ thể và nếu mục tiêu bị vượt quá, doanh thu của công ty sẽ bị khấu trừ 15 RM (3,38 USD)/tCO2e theo ICP.

ICP của ngân hàng CIMB được đặt ở mức 70 RM và cũng được áp dụng tương tự đối với bất kỳ quốc gia nào không đáp ứng được giới hạn GHG được chỉ định. Công ty sử dụng số tiền thu được từ ICP để đầu tư vào nâng cấp hiệu quả năng lượng, mua bù đắp carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo. Cả hai công ty đều lường trước được rằng các cơ chế định giá carbon cuối cùng sẽ thâm nhập vào nền kinh tế Malaysia. Họ cũng coi những nỗ lực nội bộ này là phương tiện chuẩn bị và thúc đẩy hành vi có ý thức về môi trường hơn trong tổ chức của họ.

Malaysia hiện không có thuế carbon riêng mặc dù đang xem xét khả năng áp dụng loại thuế này để cải thiện ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, nước này có Thị trường carbon tự nguyện (VCM) do sàn giao dịch chứng khoán Malaysia (Bursa Malaysia) phát triển, dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch vào cuối năm 2022. VCM nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính và các khoản tín chỉ carbon bắt nguồn từ các giải pháp và công nghệ thân thiện với môi trường để đạt được mục tiêu này.

Việt Nam cũng đang tập hợp các kế hoạch để giới thiệu các cơ chế định giá carbon riêng trong những năm tới, phần lớn sẽ tập trung vào cơ chế mua bán khí thải.

Trong khi đó, Philippines đang xem xét khả năng áp dụng thuế carbon vào nền kinh tế của mình.

Các sáng kiến trên cho thấy các quốc gia ASEAN đang tích cực xem xét tiềm năng của các cơ chế định giá carbon để thúc đẩy chính phủ và doanh nghiệp hướng tới việc giảm lượng khí thải. Do đó, có tiềm năng to lớn cho những nỗ lực hợp tác và cam kết nhiều hơn để giới thiệu các cơ chế này trong ASEAN.

Báo cáo Tình trạng Biến đổi Khí hậu của ASEAN do Chính phủ Indonesia đưa ra đã nêu bật một số lĩnh vực có thể được hưởng lợi từ sự quan tâm đối với định giá carbon ở Đông Nam Á. Thuế carbon trên toàn ASEAN là một trong những đề xuất được đưa ra cùng với sự cần thiết của Hệ thống Quản lý, Báo cáo và Xác minh (MRV) phù hợp để hỗ trợ xác định mức phát thải trong tất cả các lĩnh vực của các quốc gia thành viên.

Báo cáo cũng chỉ ra sự cần thiết phải thực hiện nghiên cứu Chi phí carbon xã hội (SCC) để đánh giá chính xác chi phí kinh tế thực sự của carbon bằng cách đo lường thiệt hại tiềm ẩn. Những nỗ lực này sẽ hỗ trợ phát triển các biện pháp định giá carbon bằng cách cung cấp thông tin định lượng có thể được sử dụng để định giá carbon chính xác và xác định các khu vực có tiềm năng giảm phát thải nhiều nhất.

Một điểm nhấn mạnh chính trong báo cáo là nhu cầu cấp bách đối với hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN đối với việc xây dựng các cơ chế định giá carbon. Liên kết các chương trình mua bán khí thải quốc gia bằng cách điều chỉnh các tiêu chuẩn đánh giá và quy tắc trao đổi cũng được khuyến nghị để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mua bán carbon xuyên biên giới và cải thiện cơ chế định giá trong khu vực.

Những cách tiếp cận như trên kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả, tính thanh khoản và tính minh bạch của thị trường carbon, cho phép đạt được hiệu quả cao hơn ở các quốc gia thành viên.

An Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here