12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương có tiến triển

0
64
(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác khảo sát, àm việc tại dự án Tisco2)
(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác khảo sát, àm việc tại dự án Tisco2)

Thực hiện Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ, từ 30/5/2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận vai trò cơ quan thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó Trưởng ban Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ làm Trưởng Ban Chỉ đạo và sự chủ động, tích cực của Ủy ban trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đến nay, 5 dự án đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, nhiều dự án đã có lãi, giảm lỗ lũy kế đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị – xã hội tại địa phương.

Như dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 – Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 01/2022; Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí,…

Đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại, tình hình cũng có nhiều tín hiệu rất tích cực. Trong đó, 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.

Theo đó, mặc dù còn rất khó khăn nhưng 3 dự án, doanh nghiệp đã sản xuất, cung cấp một lượng lớn phân đạm urê và DAP đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần cho xuất khẩu; góp phần ổn định thị trường phân bón, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, dù còn lỗ lũy kế, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn: năm 2022, ước lãi 2.632 tỷ đồng, tăng hiệu quả 2.815 tỷ đồng so với năm 2021,…

Bên cạnh kết quả tích cực của dự án phân bón, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco2), một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp đến nay cũng đã có nhiều tiến triển tích cực.

Trước đó, ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát, làm việc tại dự án Tisco2. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề đặt ra của dự án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên; trực tiếp tham gia đàm phán với Tổng thầu EPC của Tisco2 (MCC); trực tiếp làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và có công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền phía Trung Quốc, hỗ trợ điều phối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho MCC tổ chức Đoàn sang Việt Nam để đàm phán thống nhất các vấn đề liên quan của dự án. Trên cơ sở đó, từ ngày 14-24/10/2022, MCC đã cử Đoàn chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam.

Đây được coi là chuyến công tác mang tính phá băng trong xử lý các tồn tại, vướng mắc của Tisco2, tạo ra bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của Dự án Tisco2 khi lần đầu tiên hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường và các công trình xây dựng dở dang trong khuôn khổ Dự án.

Với những kết quả đạt được trong việc xử lý những yếu kém của các dự án ngành công thương, trong thời gian tới, việc xử lý đối với các dự án sẽ được tiếp tục thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ các quy định của pháp luật, kết luận thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào tình hình thực tế xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, doanh nghiệp, theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Ủy ban sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và các cơ quan có thẩm quyền để có định hướng và giải pháp tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn.

“Trường hợp các dự án, doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sẽ báo cáo, xem xét thực hiện phương án phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật; mục tiêu thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước cũng như đối với nền kinh tế”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

(Anh Nhi/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here