Ngày 20/12/2022, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ ra quyết định điều chỉnh chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC). Cụ thể, BOJ cho phép lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm từ mức mục tiêu 0%, so với biên độ tăng chỉ 0,25 điểm phần trăm trước đó.
Giới đầu tư xem đây như một động thái thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài gần một thập kỷ tại quốc gia này.
Tuy nhiên, BOJ vẫn giữ nguyên mức mục tiêu lợi suất trái phiếu ở mức -0,1% với trái phiếu ngắn hạn và 0% với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, theo cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 20/12/2022. Ngân hàng này cũng cho biết sẽ tăng hoạt động mua vào trái phiếu chính phủ lên 9 nghìn tỷ Yên (67,5 tỷ USD) mỗi tháng, từ mức 7,3 nghìn tỷ Yên trước đó.
Động thái trên khiến đồng Yên tăng mạnh lên mức cao nhất so với đồng USD kể từ đầu tháng 8. Theo Nikkei Asia, đồng Yên giao dịch ở mức 130,66 Yên đổi một USD trong phiên giao dịch tại New York ngày 20/12, tăng 3,5% so với một ngày trước đó. Sau đó đồng tiền này giảm nhẹ xuống còn khoảng 131,1 Yên đổi 1 USD. Trước khi BOJ công bố quyết định bất ngờ, đồng nội tệ Nhật giao dịch quanh mức 137,3 Yên đổi 1 USD.
“Có thể đây chỉ là một bước đi nhỏ để thử nghiệm chiến lược và xem phản ứng của thị trường cũng như mức độ phản ứng ra sao”, ông Bart Wakabayashi, giám đốc chi nhánh tại State Street ở Tokyo, nhận định. “Tôi cho rằng chúng ta đang chứng kiến những bước đi đầu tiên thận trọng nhưng có ý nghĩa”.
Chính sách lãi suất cực thấp của BOJ và hoạt động mua vào trái phiếu liên tục để bảo vệ giới hạn lợi suất thời gian qua vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của giới đầu tư. Những điều này được cho là đã bóp méo đường cong lợi suất, làm cạn kiệt thanh khoản của thị trường và gây ra sự mất giá của đồng Yên.
Với đồng Yên, thời gian qua, chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ thời gian qua đã khiến đồng tiền này chịu áp lực giảm giá. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, BOJ hầu như giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng suốt gần một thập kỷ qua của mình. Hồi tháng 10, đồng Yên giảm giá sâu xuống mức gần 152 Yên đổi 1 USD – mức thấp nhất trong gần 32 năm.
Quyết định mở rộng biên độ lợi suất trái phiếu dài hạn của BOJ ngày 20/12/2022 cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ. Dự báo chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật sẽ được thu hẹp hoặc tăng ít hơn, các nhà đầu tư đang bắt đầu mua vào đồng Yên, giúp đồng tiền này tăng giá mạnh.
Trước đó, tất cả 47 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg khảo sát đều nhận định Nhật Bản sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ dù hầu hết họ đều cho rằng BOJ nên hành động nhiều hơn để cải thiện hoạt động của thị trường trái phiếu Nhật Bản.
Quyết định mới nhất của BOJ được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang tìm kiếm người kế nhiệm Thống đốc BOJ – ông Kuroda Haruhiko, người sẽ mãn nhiệm vào tháng 4/2023.
“Đây có thể là một bước tiến hướng tới chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Quyết định này mở ra cơ hội tăng lãi suất tại Nhật vào năm 2023 dưới nhiệm kỳ của thống đốc mới”, ông Masamichi Adachi, nhà kinh tế trưởng Nhật Bản tại UBS Securities và là cựu quan chức của BOJ, nhận xét.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng động thái bất ngờ từ vị thống đốc 78 tuổi là một bước đi để củng cố chương trình kiểm soát đường cong lợi suất của mình.
“Động thái này khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng BOJ quyết tâm tuân thủ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất kể cả sau khi thay đổi lãnh đạo vào tháng 4/2023″, ông Shigeto Nagai, một cựu quan chức BOJ và hiện là giám đốc nghiên cứu Nhật Bản tại Oxford Economics, nói.
Ông Kuroda sẽ có thêm hai cuộc họp chính sách nữa trước khi kết thúc nhệm kỳ của mình.
Theo các nhà phân tích, phững phản ứng của thị trường ngày 20/12/2022 cho thấy sự phức tạp khi xoay chiều chính sách của BOJ, sau khi ngân hàng này đã có một loạt động thái như duy trì lãi suất ngắn hạn âm, lợi suất kỳ hạn 10 năm gần 0%, liên tục mua vào tài sản và can thiệp thị trường tiền tệ nhằm bảo vệ đồng Yên. Bất kỳ sai lầm nào của tân thống đốc cũng có thể khiến thị trường hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu.
(Ngọc Trang/vneconomy)