Giá gạo xuất khẩu tiến sát ngôi đầu thế giới

0
39
Giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đang cao nhất thế giới. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có thể đạt hơn 7 triệu tấn, thu về 3,5 tỷ USD – vượt kế hoạch đề ra.

Giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đang cao nhất thế giới. (Nguồn: Báo Đầu tư)

11 tháng năm 2022, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Bộ Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn) Nguyễn Quốc Toản thông tin: “Giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đang cao nhất thế giới”.

Đơn cử, giá chào bán gạo 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn.

Thực tế cho thấy, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh là do các doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn. Mặt khác, những xung đột thế giới, thời tiết, dịch bệnh… cũng khiến nhu cầu gạo của nhiều quốc gia tăng mạnh.

Không những tăng về giá trị, hạt gạo Việt Nam còn ngày càng chiếm lĩnh đa dạng thị trường. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 2,7 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 45%, trị giá trên 1,2 tỷ USD.

Các thị trường “khó tính” khác cũng ghi nhận tăng trưởng cao, đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%, sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng 82%.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: “Trong tháng 12, Việt Nam sẽ xuất khẩu 600.000 tấn gạo hoặc hơn. Như vậy, cả năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3-3,5 tỷ USD. Đây là con số phản ánh đúng giá trị, thương hiệu, chất lượng gạo Việt Nam”.

PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho hay, Việt Nam đang hưởng lợi những kết quả từ chính sách tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện trong 10 năm gần đây, chứ không phải mở cửa thị trường mà đáp ứng được ngay.

PGS. TS Đào Thế Anh  nhấn mạnh: “Đó là quá trình chuyển dần từ sản xuất gạo chất lượng thấp sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với những bộ giống gạo rất thơm ngon. Người tiêu dùng châu Âu đánh giá rất cao chất lượng gạo của Việt Nam. Điều này giúp chúng ta đã đặt được ‘một chân’ vào thị trường này. Tại châu Âu, Việt Nam đang rất có uy tín cả về mặt chính trị và hợp tác, chúng ta cần phải liên kết chặt chẽ hơn để duy trì”.

Thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, dư địa của ngành lúa gạo còn rất lớn, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tạo ra vùng lúa hàng hóa chất lượng cao.

Việc ứng dụng công nghệ, cấp mã số vùng trồng… sẽ giúp gạo Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu và được định vị vững chắc trên thị trường quốc tế. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi lúa gạo chất lượng cao; đồng thời hình thành những kênh thông tin thị trường để quảng bá và xúc tiến thương mại.

Chuyên gia xuất nhập khẩu cũng nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.

Bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn của gạo Việt Nam. Sau khi Anh tách khỏi EU, nước ngày đã cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam hàng năm tương đương với hạn ngạch mà EU cấp theo Hiệp định thương mại tự Việt Nam-EU.

Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật… của thị trường nhập khẩu.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here