Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola nhận định, năm 2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu.
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022? Đâu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2022. Quốc gia này có kết quả kinh tế vĩ mô tốt trong năm 2022. Đây kết quả đáng chú ý, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang lộ diện ở các quốc gia khác trên thế giới.
Có 4 yếu tố chính giúp Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế kể trên.
Thứ nhất, động lực xuất khẩu. Trong quá khứ, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam rất mạnh. Lĩnh vực này cũng đang cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong thời gian khủng hoảng do dịch Covid-19. Xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo của đất nước là động lực chính của tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tôi cho rằng, dù tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ chậm lại do nhu cầu toàn cầu đang suy yếu nhưng lĩnh vực này sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai, nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022. Điều này được thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ, tăng 17%/năm vào tháng 10/2022, tăng mạnh so với mức 0,4%/năm vào tháng 1/2022.
Lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng phần nào đến nhu cầu trong nước, dù vậy, tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ vẫn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng trong năm 2023.
Thứ ba, đầu tư tư nhân. Không thể phủ nhận, đầu tư tư nhận là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Trong 11 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ tư, hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Thực tế là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là trong quý III/2022. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm nay một phần cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
Kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn như phục hồi sau Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát, khủng hoảng năng lượng… Theo ông, thời gian tới, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?
Kinh tế thế giới đang ở thời điểm đầy thách thức. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất lâu dài và sự kết hợp của nhiều cú sốc liên quan đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc mạnh vào năm 2023.
Theo quan điểm của tôi, có 3 lực cản mạnh đã và đang tác động đến kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và có thể tác động tiêu cực trong năm 2023. Đó là áp lực lạm phát dai dẳng, điều kiện tài chính xấu đi, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác.
Trước bối cảnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu rất u ám. Các cú sốc kinh tế bổ sung như thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Và kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh ở cả bên ngoài và bên trong vào năm tới.
Rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, tiếp tục thắt chặt tiền tệ, sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Trong nước, lạm phát cao hơn và sự không chắc chắn liên quan đến rủi ro cao trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
Chúng tôi dự đoán, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong những tháng tới.
Với những thách thức nêu trên, theo ông, Việt Nam cần làm gì để quản lý những thách thức đó?
Sự không chắc chắn và rủi ro của kinh tế toàn cầu đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vào thế khó trong việc cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới nổi.
Mức độ không chắc chắn cao sẽ đòi hỏi tổ hợp chính sách phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi. Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và áp lực tỷ giá vẫn còn, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, bao gồm tốc độ giảm của tỷ giá tham chiếu nhanh hơn.
Với áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp có thể được sử dụng rất thận trọng để duy trì dự trữ ngoại hối.
Trong trường hợp trượt giá nhanh hơn dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng lên, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng lại lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, dư địa chính sách hạn chế do lãi suất đã ở mức cao. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ giúp hạn chế tối đa việc tăng thêm lãi suất.
Song song với đó, các cơ quan chức năng có thể xem xét hạn chế chi tiêu công, đồng thời ưu tiên chi cho phát triển nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đã được chọn có tác động dự kiến cao nhất đến tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, quản lý đầu tư công hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát.
Đối với chính sách trong lĩnh vực tài chính, để giải quyết những thách thức về thanh khoản trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể giúp khôi phục niềm tin thông qua cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp với điều kiện là các ngân hàng phải có kế hoạch khôi phục khả năng thanh khoản thỏa đáng, không phụ thuộc thường xuyên vào nguồn vốn vay.
Trong trung hạn, có thể cần hoàn thiện khung xử lý ngân hàng của Việt Nam để tiếp tục nâng cao sự ổn định tài chính và tăng cường khung giám sát hợp nhất để theo dõi và đánh giá hiệu quả rủi ro hệ thống trên các thị trường, bao gồm ngân hàng, thị trường vốn và các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản.
Nghị quyết được Đại hội XIII thông qua tại phiên bế mạc đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Vậy theo ông, vai trò của thể chế đối với khát vọng này là gì?
Hiện đại hóa các thể chế hiện là một ưu tiên chính trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được Đại hội Đảng thông qua vào tháng 2/2021.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong 3 thập niên qua, trong khi các thể chế của Việt Nam không thích ứng kịp với tốc độ tương tự.
Một loạt cải cách thể chế có thể giúp đất nước tránh bẫy thu nhập trung bình bằng cách nâng cao năng lực ứng phó với những thách thức mới và phức tạp trên toàn cầu cũng như trong nước.
Theo báo cáo đánh giá quốc gia gần đây của WB với tiêu đề “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân”, Việt Nam cần thực hiện 5 cải cách thể chế.
Cụ thể như: Cần tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; Đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực của chính quyền các cấp; Sử dụng các công cụ dựa trên thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan thuộc khu vực công và khu vực tư; Thực thi hiệu quả các quy tắc và quy định để tăng cường động lực, niềm tin và sự công bằng và Áp dụng các quy trình có sự tham gia để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn.
Khi áp dụng những cải cách thể chế này một cách có hệ thống hơn, Việt Nam sẽ củng cố tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực thực hiện các chiến lược quốc gia và nâng cao năng lực tạo ra kết quả trong một số lĩnh vực then chốt giúp đất nước đạt được các mục tiêu phát triển, chẳng hạn như tăng trưởng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, tài chính bao trùm, an sinh xã hội và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Xin cảm ơn ông!
Linh Chi (thực hiện)