Cuộc họp của UNCTAD về đo lường thương mại điện tử và kinh tế số

0
31
(Kris Terauds)
(Kris Terauds)

Nền kinh tế số đang bùng nổ làm tăng nhu cầu về dữ liệu mới và các công cụ đo lường để thúc đẩy việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Cuộc họp Nhóm làm việc liên chính phủ của UNCTAD đã được tổ chức vào ngày 28-29/11 nhằm tìm hiểu cách thức đo lường thương mại điện tử và kinh tế số dựa trên các nguồn dữ liệu hiện có. Cuộc họp tập trung thảo luận việc cải thiện tính khả dụng của các chỉ số và số liệu thống kê để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng.

Ngoài ra, các chủ đề được thảo luận tại Cuộc họp bao gồm đo lường giá trị của thương mại điện tử, sử dụng các nguồn dữ liệu lớn và khai thác dữ liệu web để tìm hiểu về nền kinh tế số, sử dụng số liệu thống kê để tìm hiểu những trải nghiệm khác nhau của nam giới và phụ nữ trong nền kinh tế số và cách thức phát triển năng lực của các nền kinh tế đang phát triển trong các lĩnh vực này.

Các dịch vụ có thể cung cấp qua nền tảng số, cụ thể là những dịch vụ được cung cấp từ xa bằng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đã giúp giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 đối với thương mại dịch vụ.

Số liệu thống kê mới của UNCTAD cho thấy xuất khẩu toàn cầu của các dịch vụ này đã tăng từ khoảng 3,3 nghìn tỷ đô la năm 2019 lên 3,8 nghìn tỷ đô la vào năm 2021. Sự tăng trưởng này đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu của các dịch vụ khác trong giai đoạn này. Kết quả là, thương mại dịch vụ nói chung chỉ giảm 3,5%, ít hơn nhiều so với dự kiến trước đó.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn đáng kể hoạt động thương mại trong các dịch vụ khác như vận tải và du lịch, nhưng các dịch vụ có thể cung cấp qua nền tảng số ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Những dịch vụ này bao gồm dịch vụ viễn thông, máy tính và thông tin, dịch vụ tài chính và bảo hiểm và các dịch vụ kinh doanh khác nhau như tư vấn chuyên nghiệp và quản lý.

Trên toàn thế giới, thị phần của các dịch vụ này đã tăng từ 52% vào năm 2019 lên 64% vào năm 2020, đẩy nhanh xu hướng tăng trước đó. Mức tăng này phần lớn được duy trì trong năm 2021 ở mức 63%.

Mặc dù đại dịch đã chứng kiến ​​khả năng phục hồi của thương mại điện tử và nền kinh tế số, nhưng cũng tạo ra sự khác biệt lớn về dữ liệu và kỹ thuật số ở các khu vực.

Các dịch vụ có thể được cung cấp qua nền tảng số lần lượt chiếm 80% và 70% tổng xuất khẩu dịch vụ ở Bắc Mỹ và Châu Âu vào năm 2021. Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Ca-ri-bê cũng có sự gia tăng mạnh về tỷ trọng trong tổng xuất khẩu dịch vụ từ năm 2019 đến năm 2020. Ở Châu Đại Dương, tỷ lệ này đã tăng từ 24% vào năm 2019 lên 42% vào năm 2021.

Ở Châu Phi, giao dịch số đã diễn ra rất đa dạng trong thời kỳ đại dịch. Trong khi các quốc gia ở Bắc Phi chứng kiến ​​mức tăng trưởng mạnh nhất so với bất kỳ khu vực nào, thì các quốc gia ở Tiểu vùng Sahara ít được số hóa hơn lại trải qua sự sụt giảm mạnh nhất từ ​​năm 2019 đến năm 2020.

Các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs), vốn có mức độ sẵn có, chất lượng và khả năng chi trả thấp nhất đối với các công nghệ số và kỹ năng số, đang đi theo một quỹ đạo khác biệt rõ rệt. Theo đó, thương mại dịch vụ được cung cấp qua nền tảng số ở các nước LDCs không có sự phục hồi trong giai đoạn này.

Các nước LDCs rất cần sự hỗ trợ quốc tế để thực hiện các hành động cần thiết nhằm nắm bắt các cơ hội của thương mại số, bao gồm cả khả năng phục hồi trong các cuộc khủng hoảng.

Bà Shamika N. Sirimanne, giám đốc công nghệ và hậu cần của UNCTAD cho biết một số quốc gia có lợi thế rất lớn trong một thế giới mới của thương mại số trong khi những quốc gia khác vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Việc hỗ trợ tất cả các quốc gia xây dựng các số liệu thống kê cần thiết để theo dõi và quản lý hoạt động của họ trong nền kinh tế số toàn cầu là rất quan trọng để tạo ra sân chơi bình đẳng.

Các đại biểu tham dự Cuộc họp của UNCTAD đề xuất thành lập một nhóm chuyên trách để phát triển các hướng dẫn thống kê nhằm đo lường giá trị của các giao dịch thương mại điện tử. Những hướng dẫn này sẽ cung cấp cơ sở có giá trị cho việc tổng hợp các số liệu thống kê quan trọng nhằm tìm hiểu vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động kinh tế, việc làm, thương mại và phát triển.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here