Kinh tế Việt Nam và mục tiêu thu hút nguồn FDI chất lượng cao cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi số

0
74
(minh hoạ)

Việt Nam hướng đến thu hút FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đây là định hướng mang tính chiến lược góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.

Việt Nam – Điểm đến an toàn và hấp dẫn

Đứng trước những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế, các nhà ĐTNN đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.

Thứ nhất, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư như: Chính trị ổn định, an toàn; Vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn; Nền kinh tế có sự tăng trưởng cao; Nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu lao động rẻ và có chi phí cạnh tranh.

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết nối với hơn 2/3 dân số và 3/4 thị trường tiêu dùng của thế giới.

Thứ ba, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời xây dựng môi trường thuận lợi cho các nhà ĐTNN đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển.

Thứ năm, sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đối với hoạt động ĐTNN, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi, thể hiện sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ quyết liệt của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện tháng 9/2022, cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

Khoảng 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine Covid…) ở mức trung bình và cao; trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động… Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Hướng đến nguồn FDI chất lượng cao

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế – xã hội nói chung, hoạt động thu hút FDI trong những năm gần đây đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ theo Nghị quyết số 50- NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 để góp phần hiện thực hoá định hướng của Nghị quyết số 50-NQ/TW và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tại Hội nghị COP 26. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp thúc đẩy hợp tác ĐTNN trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, đảm bảo mục tiêu thu hút đầu tư trong lĩnh vực phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ĐTNN phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo; đồng thời tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, tập trung nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Đây là giải pháp mang tính nền tảng nhằm tiếp tục củng cố niềm tin đối với các nhà đầu tư.

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút những dự án đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị bền vững, thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh; rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, logistic theo hướng bền vững; hình thành hành lang pháp lý để phát triển các ngành, lĩnh vực xanh mới, có chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, có năng lực tài chính tốt, đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng đang quan tâm đến Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số nhằm chủ động tiếp cận, trao đổi, kêu gọi đầu tư. Vận dụng các kênh ngoại giao cấp cao hoặc các kênh có tính ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư để tác động, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Thứ năm, chủ động đào tạo nguồn nhận lực có tay nghề cao, tránh tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, địa phương. Trong đó, ưu tiên tiếp cận với các giáo trình hiện đại, chất lượng cao hướng tới hài hòa hóa tiêu chuẩn về nguồn nhân lực trong nước với các nước phát triển, các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam.

Thứ sáu, thúc đẩy chuyển đổi số ở mọi ngành, lĩnh vực, khu vực của nền kinh tế. Đối với khu vực công, thúc đẩy chuyển đổi số cần tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ công. Đối với khu vực tư nhân, cần tập trung vào những chính sách phù hợp để hỗ trợ, phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số…; đồng thời tăng cường vai trò của nhà nước trong tổ chức liên kết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản lý các định chế tài chính mới, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ bảy, cần tạo cơ chế và hệ sinh thái cho việc phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với khu vực ĐTNN. Đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực, có thể kết nối với khu vực ĐTNN để tham gia chuỗi cung ứng toàn cấu. Tiến tới tự chủ về công nghệ và quy trình sản xuất, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh tế xanh.

 Đỗ Nhất Hoàng, 

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here