GS. TS. Andreas Stoffers: Không có gì cản đường doanh nghiệp Việt Nam đi đến thành công

0
398

Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc kể từ khi Đổi mới, khó có nước nào sánh kịp. Doanh nghiệp có thể yên tâm chọn quốc gia này là nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn FDI, trước “bão tố” bủa vây toàn cầu.

GS.TS. Andreas Stoffers – tác giả bài viết. (Ảnh: NVCC)

Sống và làm việc nhiều năm tại Việt Nam, và có 18 năm kinh nghiệm đảm nhận nhiều vị trí cấp cao trong các ngân hàng tại Đức và Đông Nam Á, GS. TS. Andreas Stoffers – Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam khẳng định, “Tôi luôn theo dõi tiến trình phát triển của Việt Nam. Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã phát triển như một ‘ngôi sao băng’ vươn ra ngoài Đông Nam Á”.

Phát triển vượt bậc

Năm 2021, Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ đã công bố bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế, cho thấy lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình”, tăng 2,9 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2020. Cơ sở Việt Nam được thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện.

Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và điểm tổng thể cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 1995, không có quốc gia nào có quy mô tương đương và đạt được mức độ tự do kinh tế nhanh như Việt Nam và Ba Lan. Cả hai nước đều đã trải qua thời kỳ mở cửa nền kinh tế tương tự nhau.

Bên cạnh chính sách thân thiện với nhà đầu tư, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đã góp phần không nhỏ vào thành quả này. Việt Nam hiện sở hữu 15 hiệp định tự do đang có hiệu lực, khả năng tiếp cận gần 60 quốc gia với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trên GDP khoảng 200% và là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế lớn trên thế giới. Điều này giúp Việt Nam hội nhập sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, với tư cách là một đối tác đáng tin cậy.

Song song với đó, đầu tư nước ngoài là một trong những động lực chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong 30 năm qua. FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Luật đầu tư mới đang giúp nền kinh tế Đông Nam Á này thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trong sự thành công đó, không thể không nhắc đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trước bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, cộng đồng này đóng vai trò quan trọng trong việc tiên phong “khai phá” các lĩnh vực kinh doanh mới.

Bên cạnh những công ty lớn như Vingroup, nhờ sự linh hoạt, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đóng góp đáng kể vào sự ổn định nền kinh tế. Các doanh nghiệp này là những đối tác phù hợp nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nước ngoài muốn đến kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam hiện đã có kế hoạch đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Thoạt nghe có vẻ không tưởng, nhưng theo nhận định của tôi, điều đó hoàn toàn khả thi.

Đây không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên vị thế mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển trên thế giới.

Nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn FDI

Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi kinh tế ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2022 (Tổng cục Thống kê ước tính, GDP 9 tháng tăng 8,83%). Nhiều tổ chức quốc tế dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,8-7,2% năm 2022 – vượt mục tiêu của Chính phủ.

Theo tôi, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc điều hành các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và môi trường kinh tế tự do. Hiệp định EVFTA, Hiệp định CPTPP và các chính sách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư vẫn đang được áp dụng.

Song song với đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nếu Việt Nam tiếp tục trên con đường tự do hóa kinh tế và tin tưởng vào khả năng tái tạo của nền kinh tế.

Theo lý tưởng của nhà kinh tế Joshep Schumpeter về “sự phá hủy sáng tạo”, trước những “cú sốc ngoại sinh”, một mặt, sẽ có các doanh nghiệp không thể tiếp tục tồn tại. Nhưng cũng sẽ có những doanh nghiệp tìm thấy cơ hội tăng tốc phát triển.

Có thể khẳng định, Việt Nam dường như đã vượt qua hai năm khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19. Đây là lý do để tin các doanh nghiệp có thể yên tâm chọn Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn FDI, trước “bão tố” bủa vây toàn cầu.

Để doanh nghiệp đi đến thành công

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc lạm phát toàn cầu gia tăng, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát; cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo khủng hoảng năng lượng ở EU, đặc biệt ở Đức và tình hình chính trị trên thế giới là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.

Trước bối cảnh thế giới nhiều biến động và những thách thức kể trên, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý năm điều:

Thứ nhất, đảm bảo sự đa dạng với các đối tác nước ngoài. Thực tế cho thấy, nếu chỉ tập trung vào một số đối tác chính, doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng không chỉ bởi phía đối tác mà còn cả tác động từ bên ngoài. Vì vậy, trong giai đoạn mới, đa dạng hóa danh mục đầu tư nên là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp nhiều các địa phương Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Doanh nghiệp có thể “gõ cửa” các phòng thương mại như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) hay các hiệp hội kinh doanh quốc tế… để nhận sự trợ giúp.

Thứ ba, tìm hiểu kỳ vọng của các đối tác và khách hàng nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước. Người tiêu dùng ở các quốc gia khác thường có hành vi mua hàng khác với Việt Nam. Ví dụ, kích thước một bao gạo được bán trên thị trường Đức thường nhỏ hơn ở Việt Nam.

Hình thức tiếp thị và phân phối ở các thị trường cũng khác nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề pháp lý. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này.

Thứ tư, tìm kiếm và khám phá các cơ hội mới. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung mở rộng kinh doanh, và EU có thể là một điểm đến thú vị. Với mục đích đó, Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam đã cùng VCCI xuất bản hai tài liệu hướng dẫn về EVFTA, doanh nghiệp có thể tải từ trang web của Trung tâm WTO và Hội nhập.

Thứ năm, cần “để mắt” tới Quản lý rủi ro (RM) và Quản lý liên tục trong kinh doanh (BCM). Đối với các ngân hàng Việt Nam, Quản lý rủi ro tín dụng (CRM) là hết sức cần thiết. Hơn nữa, hãy chuẩn bị sẵn một khoản tài đủ lớn hoặc luôn sẵn sàng các giải pháp thay thế để chủ động trước những tác động bất ngờ từ bên ngoài.

Nếu thực hiện tốt những điều này, tôi tin, sẽ không có gì cản đường doanh nghiệp đi đến thành công trong kinh doanh, ngay cả trong những thời điểm không chắc chắn.

GS. TS. ANDREAS STOFFERS, 

Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here