Ngày 28/6, Liên minh Châu Âu (EU) chính thức thông qua quyết định gia hạn 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế Nga vì đã không thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk. Quyết định có hiệu lực vào ngày 31/7 khi các biện pháp hiện tại hết hạn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) sau khi nghe Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel – lãnh đạo các quốc gia đồng bảo trợ cuộc đàm phán Minsk, thông báo về tình hình trên thực địa, các lãnh đạo EU đã chính thức đưa ra quyết định này.
Theo các biện pháp trừng phạt trên, các công ty Châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các công ty Châu Âu không được mượn hoặc cho 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU.
Đáp trả động thái của EU, ngày 28/6, Điện Kremlin tuyên bố Nga bảo lưu quyền áp dụng các hành động đáp trả nhằm vào EU. Theo đó, Nga đã trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU.
Lệnh trừng phạt của EU đối với Nga được áp đặt vào mùa hè năm 2014, nhằm vào các ngân hàng và doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí, với lý do Nga có liên quan đến tình hình ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của EU liên quan đến gần 150 nhân vật, trong đó có nhiều người thân cận của tổng thống Nga. Tháng 12/2016, EU gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm sáu tháng đến ngày 31/7/2017. Các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa Brussels và Moskva. Nga đã trả đũa bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU hiện vẫn đang có hiệu lực. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn với thời gian là 6 tháng.
Theo giới chuyên gia, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga. Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) chuyên nghiên cứu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương, Idriss Jazairy, cho biết tính trung bình, các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho các nước áp đặt lệnh trừng phạt 3,2 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, Nga mất khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
MC.