Lệnh cấm vận dầu Nga của EU: Chiến lược đầy rủi ro nhưng lợi ích có xứng đáng?

0
176
(minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay của khối này đối với Nga, đó là cấm vận dầu Nga và không cho phép các công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng cho các tàu chở dầu Nga. Động thái này được cho là sẽ đặt ra thách thức mới cho ngân sách và nền kinh tế Nga, nhưng cũng gây ra những tổn thất không hề nhỏ đối với chính châu Âu, thậm chí cả thế giới.

Tại hội nghị thượng đỉnh vào hôm 30/5/2022, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đạt nhất trí về nguyên tắc sẽ giảm dần nhập khẩu dầu từ Nga trong vòng 6 tháng, tiến tới đến cuối năm nay bắt đầu cấm vận đối với phần lớn dầu Nga nhập khẩu vào EU. Ngoài ra, EU còn cấm các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga trên khắp thế giới. Bằng cách này, châu Âu sẽ khiến cho Nga gặp khó khăn trong việc bán dầu cho các khách ở châu Á, bởi các công ty bảo hiểm của châu Âu cung cấp hợp đồng cho phần lớn giao dịch thương mại dầu lửa trên toàn cầu. Nằm trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga về vấn đề Ukraine, các biện pháp này mạnh tay hơn so với dự báo trước đó.

Theo tờ Wall Street Journal, giới phân tích đánh giá rằng lệnh cấm vận này là một chiến lược có độ rủi ro cao đối với EU, vì một mặt buộc khối phải tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, mặt khác có thể thổi bùng lạm phát vốn dĩ đã ở mức cao nhất nhiều thập kỷ ở cả hai bờ Đại Tây Dương và đang leo thang trên toàn cầu.

KHI DẦU NGA BỊ TỪ CHỐI BẢO HIỂM

Kế hoạch được đưa ra cho thấy EU sẽ cấm dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga nhập khẩu và khối này qua đường biển – phương thức vận tải chiếm ít nhất 2/3 tổng lượng dầu mà châu Âu nhập khẩu từ Nga. Dầu Nga nhập qua đường ống vào EU được miễn trừ khỏi sự trừng phạt này để các nước nằm sâu trong đại lục như Hungary có thời gian tìm kiếm nguồn cung thay thế. Lệnh cấm vận sẽ không được áp dụng ngay, mà mức nhập khẩu sẽ được cắt giảm dần trong thời gian từ nay đến cuối năm, cộng thêm với việc Đức và Ba Lan dừng hẳn nhập dầu Nga qua đường ống, biện pháp của EU sẽ bao trùm 90% dầu Nga mà khối này vẫn nhập khẩu trước đó – giới chức EU cho hay.

Dù còn chờ sự phê chuẩn chính thức của các nước thành viên EU, lệnh cấm vận nói trên đã đẩy giá dầu tăng ngay khi vừa công bố. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London vượt 118 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 31/5/2022, gần cao nhất trong 2 tháng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc giá dầu thời gian tới diễn biến thế nào sẽ tùy thuộc vào việc liệu Nga có tìm được khách hàng để hấp thụ hết số dầu bị EU từ chối mua.

Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt đóng góp gần 42% ngân sách Liên bang Nga trong quý 1 năm nay. Mỗi tháng, EU vẫn chi đều đặn khoảng 10 tỷ USD để nhập dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga – theo tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Brussels (Bỉ). Khoản thu này của Moscow sẽ “bốc hơi” ít nhiều một khi lệnh cấm vận dầu Nga được EU thực thi.

“Dù chưa phải là một sự cấm vận hoàn toàn, biện pháp này sẽ giáng một đòn vào ngân sách Chính phủ Nga”, nhà nghiên cứu Maria Shagina thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định. “Moscow có thể chuyển hướng dòng chảy của dầu thô bằng cách bán nhiều hơn cho khách châu Á, nhưng rất khó để tìm được cách bù đắp triệt để cho sự mất mát ở thị trường châu Âu. Ngân sách của Chính phủ Nga sẽ không bao giờ giống như trước nữa”.

Theo giới giao dịch và chủ tàu, việc cấm cung cấp hợp đồng bảo hiểm cho các chuyến tàu chở dầu Nga – dự kiến được thực thi sau 6 tháng để giải tỏa mối lo của các quốc gia có ngành vận tải biển lớn như Hy Lạp và Cyprus – mới chính là động thái khắc nghiệt hơn trong số hai biện pháp trừng phạt mà EU nhằm vào dầu Nga. Hầu như chẳng có công ty nào sẵn sàng chở dầu nếu con tàu bị các hãng bảo hiểm từ chối. Cách đây một thập kỷ, lệnh cấm tương tự đã gây trở ngại cho xuất khẩu dầu của Iran trong nỗ lực của phương Tây nhằm buộc Tehran phải đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.

Các chủ tàu và công ty giao dịch dầu lửa thường mua hai loại bảo hiểm để bảo vệ khỏi rủi ro thiệt hại do tràn dầu hay các sự cố khác. Một loại là bảo hiểm thân tàu và máy móc, để phòng trường hợp có tổn thất vật lý đối với tàu.  Loại này thường được mua ở thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm Lloyd’s of London ở Anh.

Loại thứ hai là bảo hiểm bảo vệ và bồi thường (P&I), phòng trường hợp phát sinh trách nhiệm đối với bên thứ ba. International Group of P&I Clubs – tổ chức gồm các câu lạc bộ bảo hiểm thành viên ở Na Uy, Anh, EU và một số quốc gia khác – cung cấp loại bảo hiểm này cho khoảng 95% đội tàu chở dầu toàn cầu tính theo tải trọng. Đại diện của tổ chức này đã nói rằng họ sẽ ngừng cung cấp bảo hiểm cho những con tàu chở dầu Nga nếu lệnh cấm của EU được đưa ra.

Nga đã mất hàng thập kỷ suốt từ thời chiến tranh lạnh đến nay để xây dựng cơ sở hạ tầng và các mối quan hệ thương mại nhằm cho phép tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft và các công ty dầu khí khác của nước này bán dầu sang thị trường châu Âu. Lệnh cấm bảo hiểm – bằng cách khiến Nga khó bán dầu hơn cho khách châu Á – đặt ra khả năng giá dầu thế giới sẽ duy trì ở mức cao hoặc thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa.

NGUY CƠ VỠ ĐƯỜNG ỐNG DẪN DẦU Ở SIBERIA

Rõ ràng, sự trừng phạt mới từ EU sẽ đặt ra thêm hàng loạt thách thức đối với ngành công nghiệp dầu lửa Nga.

Từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, dầu Nga đã bị nhiều nhà giao dịch “quay lưng”, khiến giá dầu Urals của Nga bị “dìm” giá xuống mức thấp hơn khoảng 35 USD/thùng so với giá dầu Brent giao sau tại thị trường London – giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn ngân hàng và tàu chở dầu để vận chuyển dầu Nga tới Trung Quốc và Ấn Độ. Nhu cầu đối với dầu Nga giảm cả ở trong và ngoài nước đã khiến một số nhà máy lọc dầu của Nga, cũng như không ít giếng dầu của nước này, phải cắt giảm sản lượng.

Ấn Độ đã đẩy mạnh gom mua dầu thô giá rẻ của Nga trong những tuần gần đây, nhưng giới phân tích nói rằng điều này sẽ không đủ để hút hết số dầu Nga mà EU dự kiến cấm vận. “Dần dần, dự trữ dầu của Nga sẽ đầy và sản lượng dầu của nước này sẽ bắt đầu giảm xuống”, một báo cáo của RBC Capital Markets nhận định.

Từ trước khi kế hoạch cấm vận dầu Nga được EU nhất trí, giới chức Nga đã dự báo sản lượng dầu của nước này trong năm 2022 có thể giảm tới 17% do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đây là một vấn đề dài hạn đối với Nga, bởi phần lớn hạ tầng dầu lửa của nước này không được chuẩn bị cho việc cắt giảm sản lượng nhanh và sâu đến như vậy. Khí hậu lạnh giá của vùng Siberia có thể khiến cho các đường ống dẫn dầu bị vỡ nếu không có dầu chảy qua, trong khi các mỏ dầu năng suất thấp từ thời Liên Xô cũng đòi hỏi chi phí lớn để duy trì và tái khởi động. Các nhà phân tích nói rằng phần lớn phần sản lượng dầu mà Nga thiệt hại hiện nay sẽ bị mất vĩnh viễn.

TÁC ĐỘNG ĐẾN CHÂU ÂU VÀ THẾ GIỚI

Đối với châu Âu, việc chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu Nga vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ qua đặt ra thách thức không hề nhỏ, buộc các nước trong khu vực phải đi tìm những nguồn cung mới. Việc này sẽ đẩy cao lạm phát trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm xăng dầu ở những quốc gia nghèo hơn khi những nước này phải cạnh tranh với châu Âu để mua được dầu. Số liệu công bố mới đây cho thấy lạm phát trong khu vực Eurozone đã lập đỉnh mới ở mức 8,1% trong tháng 5/2022.

Năm 2020, 29% nhập khẩu dầu thô của EU là từ Nga, trong khi Mỹ – nhà cung cấp dầu thô lớn thứ nhì của EU – chiếm 9%. Nga cũng là một nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm dầu tinh luyện sang châu Âu, đáp ứng 10% nhu cầu dầu diesel của khu vực này trong năm 2021, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Việc châu Âu miễn trừng phạt đối với dầu Nga xuất khẩu sang EU qua đường ống là một tin tốt đối với Moscow nhưng không phải là một sự giải toả quan trọng. Trước chiến tranh, EU nhập mỗi ngày khoảng 2,5 triệu thùng dầu Nga, trong đó chỉ có 800.000 thùng đi qua đường ống Druzhba – hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới với chiều dài 5.500 km.

Theo nhà sáng lập Amrita Sen của Công ty tư vấn Energy Aspects, đến cuối năm nay, nhập khẩu dầu Nga vào EU sẽ chỉ còn 500.000 thùng/ngày, bằng 20% so với mức trước khi xảy ra chiến tranh.

Việc dịch chuyển khỏi dầu Nga đã diễn ra ở châu Âu mấy tháng nay, khi các nước trong khu vực giảm mua dầu Nga và tăng mua dầu từ Tây Phi, từ Mỹ và từ các nhà cung cấp khác. Đức – quốc gia nhập dầu Nga thông qua nhánh phía Bắc của đường ông Druzhba, đã giảm nhiều việc nhập khẩu dầu Nga so với trước chiến tranh, theo đó giảm mức độ phụ thuộc vào dầu Nga về 12% từ 35%.

Việc tìm kiếm nguồn dầu mới đi kèm với tổn thất. Cuộc đua của các nước châu Âu nhằm mua dầu từ các nhà cung cấp ngoài Nga đã đẩy giá dầu thô chất lượng cao của các nhà cung cấp từ Nam Phi tới Azerbaijan lên mức cao nhất trong nhiều năm. Một khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid nghiêm ngặt – nhân tố kiềm chế nhu cầu tiêu thụ dầu thời gian qua – châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn để mua được dầu.  “Cuộc cạnh tranh để có được dầu sẽ còn căng thẳng hơn nữa”, bà Sen nói.

Thay thế dầu diesel Nga là một việc thậm chí còn khó khăn hơn đối với châu Âu. Đây là loại nhiên liệu ô tô phổ biến ở châu Âu hơn so với ở Mỹ. Nhiều khả năng châu Âu sẽ phải tăng nhập diesel từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ, dẫn tới hệ quả là thế giới sẽ thiếu cung diesel trong mùa đông năm nay – bà Sen nhận định.

Đến hiện tại, EU vẫn còn ngập ngừng với ý tưởng thôi dùng khí đốt Nga, bởi khí đốt là loại nhiên liệu khó thay thế hơn dầu thô do được vận chuyển chủ yếu bằng đường ống. Nhưng đối với Nga, lệnh cấm vận dầu thô được xem là một cú sốc lớn hơn, bởi giữa dầu thô và khí đốt, dầu thô mang lại lợi nhuận lớn hơn cho Moscow.

Tính đến ngày 01/6/2022, đã có tổng cộng 5 nước EU bị Nga cắt cung cấp khí đốt, gồm Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Hungary và Phần Lan, sau khi các nước này từ chối trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin. Nếu Nga “khóa van” khí đốt đối với toàn châu Âu, việc đó sẽ gây ra tổn hại lớn không chỉ đối Nga và châu Âu, mà còn đối với toàn thế giới, bởi giá nhiên liệu có thể bước vào một vòng xoáy tăng giá chóng mặt, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng stagflation – với lạm phát cao và tăng trưởng sụt tốc, thậm chí là suy thoái – như nhiều chuyên gia đang lo sợ.

(An Huy/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here