Quá trình chuyển đổi kinh tế quy mô lớn của Nga đã bắt đầu?

0
178
Mô hình phát triển kinh tế đang thay đổi - thay vì xuất khẩu, hoạt động sản xuất sẽ tập trung cho nhu cầu trong nước. Ảnh: Thủ đô Moscow, Nga. (Nguồn: YouTobe)

Một giai đoạn chuyển đổi cơ cấu quy mô lớn đã bắt đầu ở Nga. Mô hình phát triển kinh tế đang thay đổi – thay vì xuất khẩu, hoạt động sản xuất sẽ tập trung cho nhu cầu trong nước.

Mô hình phát triển kinh tế Nga đang thay đổi – thay vì xuất khẩu, hoạt động sản xuất sẽ tập trung cho nhu cầu trong nước. Ảnh: Thủ đô Moscow, Nga. (Nguồn: YouTobe)

Ngân hàng Trung ương Nga đã đưa ra các phác thảo về những thay đổi sắp tới. Nhưng theo quan điểm của các nhà quản lý kinh tế, điều quan trọng là phải bắt đầu hình thành một cách có hiệu quả các ưu tiên và mô hình phát triển cho các ngành và thị trường cụ thể, bao gồm cả thị trường lao động. Về khía cạnh này, Nga nên học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác.

Đảo ngược xu hướng

Trung Quốc đã công bố một chiến lược tăng trưởng kinh tế mới mang tên “tuần hoàn kép” – sau khi thu nhập hộ gia đình và quy mô tầng lớp trung lưu của nước này tăng lên một cách bền vững. Trên thực tế ở Nga, một sự chuyển đổi tương tự sẽ không chỉ gắn với việc giảm thiểu cú sốc cục bộ mà còn phải đảo ngược xu hướng giảm thu nhập của người dân trong dài hạn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga, giai đoạn chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Nga sẽ bắt đầu trong quý 2 hoặc quý 3/2022, trong khi cuộc khủng hoảng năm 2022 là một trong những thách thức quan trọng nhất mà nền kinh tế Nga phải đối mặt kể từ những năm 1990.

Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga về chính sách tiền tệ có đoạn: “Trong bối cảnh áp đặt các hạn chế đối với hoạt động xuất nhập khẩu, các công ty Nga sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động và mô hình kinh doanh đã thiết lập từ trước. Trong một số trường hợp, họ sẽ phải thay đổi lĩnh vực hoạt động và đưa ra các yêu cầu mới về trình độ cho các chuyên gia được thuê”.

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, chuyển đổi cơ cấu sẽ đi kèm với sự thay đổi tỷ trọng của các ngành trong nền kinh tế, các cú sốc có thể dẫn đến việc nguồn cung giảm đáng kể và liên tục so với nhu cầu, và sự không chắc chắn chung. Khó khăn trong tiếp thị hàng hóa xuất khẩu và tiếp cận hàng nhập khẩu cần thiết cho sản xuất sẽ làm giảm đáng kể đầu tư trong lĩnh vực tư nhân.

Các chuyên gia của Ngân hàng Trung ương dự báo việc cắt giảm đáng kể ngoại thương và khả năng xuất khẩu trong thời gian tới sẽ dẫn tới tỷ trọng xuất khẩu trong nền kinh tế thấp hơn mức trung bình. Hoạt động sản xuất sẽ tập trung hơn vào thị trường nội địa”.

Chuyển dịch cơ cấu cũng là điều cần thiết cho thị trường lao động. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo rằng: “Những thay đổi có thể không đồng đều cả trong ngành cũng như trong khu vực. Điều này có nghĩa là có thể cần phải phân bổ lại đáng kể nguồn lao động giữa các ngành, nghề và theo khu vực địa lý”.

Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra một số ví dụ: Sự rút lui của các công ty nước ngoài lớn sẽ dẫn đến việc một số nhân viên của các công ty đó mất việc làm và số lượng vị trí tuyển dụng trong các ngành này nói chung sẽ giảm xuống, trong khi quá trình chuyển đổi chuỗi sản xuất có thể đòi hỏi nhiều lao động hơn.

Dù sự chuyển đổi cơ cấu hiện là điều không thể tránh khỏi, điều này không có nghĩa là nó không thể được kiểm soát và diễn ra tự phát. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương, Nga sẽ phải đối mặt với một đợt xem xét lại các dự án quy mô lớn khi tính đến các điều kiện mới.

Do đó, cơ quan quản lý dự kiến rằng sau khi nền kinh tế suy thoái trong năm nay và sau đó phục hồi vào giai đoạn 2023-2024, tăng trưởng kinh tế có thể tăng tốc hơn nữa. Điều này sẽ xảy ra nếu Nga bước vào trạng thái cân bằng mới dựa trên các yếu tố cơ bản ổn định, bao gồm việc tăng tổng năng suất lao động thông qua việc áp dụng kiến thức mới, tiếp cận và phát triển công nghệ, áp dụng các giải pháp sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Cơ quan quản lý tin tưởng rằng các biện pháp do chính phủ và bản thân Ngân hàng Trung ương thực hiện sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế sang xu hướng cân bằng mới và hỗ trợ ngân sách, bao gồm các khoản đầu tư cho Quỹ phúc lợi quốc gia mà sẽ giúp đất nước vượt qua khủng hoảng.

Chiến lược “tuần hoàn kép” của riêng nước Nga

Nhưng liệu các cơ quan quản lý kinh tế đã hiểu rõ ranh giới giữa các mô hình kinh doanh hiệu quả và kém hiệu quả trong hoàn cảnh mới, làm thế nào và phải chuẩn bị gì cho thị trường lao động và các ngành công nghiệp?

Các chương trình đào tạo lại người lao động và cung cấp công việc tạm thời là những biện pháp quan trọng, nhưng chúng giống như sự hỗ trợ khẩn cấp để ngăn chặn sự sụp đổ. Ngoài ra, Nga cũng cần giải quyết vấn đề sụt giảm thu nhập của người dân trong thời gian dài, vốn đã xuất hiện trong nền kinh tế Nga từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 và trước khi các lệnh trừng phạt mới leo thang.

Sự thay đổi mô hình kinh tế Nga chắc chắn sẽ phải dựa trên sự tăng trưởng thu nhập của người dân. Một ví dụ về điều này là Trung Quốc. Năm 2020, Bắc Kinh tuyên bố chuyển đổi sang chiến lược tăng trưởng kinh tế mới được gọi là “tuần hoàn kép”.

Theo các chuyên gia của Viện Dự báo kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chiến lược mới tập trung dựa vào nhu cầu trong nước làm động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi các động lực trước đây, đặc biệt là xuất khẩu, chỉ được coi là đóng vai trò hỗ trợ.

Chúng ta cần hiểu rõ ràng mặc dù chỉ đóng vai trò hỗ trợ, nhưng không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của các yếu tố như xuất khẩu đối với sự phát triển của nền kinh tế. Một điều nữa là Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hoá xuất khẩu, giảm cung cấp thành phẩm cho các ngành sử dụng công nghệ thấp và tăng khả năng cạnh tranh của các ngành áp dụng công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Quá trình chuyển đổi sang mô hình “tuần hoàn kép” không phải được tiến hành đột ngột, mà một số quyết định của giới lãnh đạo nhà nước đã mở đường cho quá trình này. Từ năm 2010 đến 2020, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của Trung Quốc đã tăng từ 49% lên 54%, và sự gia tăng ổn định trong tiêu dùng hộ gia đình sẽ không thể xảy ra nếu không có sự gia tăng nhất quán trong thu nhập của họ. Tính trung bình, thu nhập của tất cả các hộ gia đình đều tăng 38%, trong khi từ 2013 đến 2019, quy mô của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc gần như tăng gấp đôi. Và ưu tiên của chính quyền Trung Quốc là nâng cao hơn nữa mức sống của người dân.

Sự gia tăng thu nhập của người dân được phản ánh trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình. Các nghiên cứu cho biết, từ năm 2013 đến 2019, các hộ gia đình bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho giao thông, giáo dục, văn hoá, giải trí và chăm sóc sức khoẻ, và chi tương đối ít hơn cho thực phẩm và quần áo. Ngoài ra, dân số bắt đầu mua nhiều thiết bị gia dụng, điện thoại di động và ô tô.

Nói cách khác, Nga hiện phải chuyển đổi sang chiến lược “tuần hoàn kép” của riêng mình, tuy nhiên với các điều kiện hơi khác so với các điều kiện của Trung Quốc. Quan trọng nhất, đằng sau các điều kiện này là một xu hướng dài hạn, đó là thu nhập thực tế của người dân suy giảm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác tái cơ cấu nền kinh tế còn rất nhiều việc phải làm phía trước, không nên chỉ giới hạn ở việc bơm tài chính có mục tiêu hay cứu trợ tạm thời mà cần có một cách tiếp cận toàn diện. Chuyên gia Mikhail Churakov cho rằng: “Sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu đã được thừa nhận và công bố. Đây là điều tốt và là bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, các biện pháp mang tính hệ thống hoặc các kế hoạch chuyển đổi vẫn chưa được đưa ra. Doanh nghiệp vẫn chưa được nhà nước quan tâm cung cấp các cơ hội phát triển và rất mong nhận được các chủ trương đó”.

Kinh nghiệm thế giới là rất nhiều, nhưng cần được áp dụng vào các điều kiện của Nga một cách dần dần và có cách tiếp cận chuyên sâu. Chuyên gia Churakov nói thêm: “Cần chú ý đến cách tiếp cận của Nhật Bản và Trung Quốc đối với việc phát triển sáng tạo công nghệ. Chẳng hạn, Nga nên lưu ý đến sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và sự kết hợp giữa quản lý kinh tế và tự do cạnh tranh tại nước này. Kinh nghiệm của Mỹ và Đức cho thấy cần phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản ngay cả trong những năm suy thoái. Mỹ áp dụng công nghệ của Mỹ để quản lý xã hội, xây dựng các mối liên hệ xã hội và sự tham gia của công chúng. Kinh nghiệm của Iran trong việc tránh né các lệnh trừng phạt nên được sử dụng ở mức độ hạn chế khi nhận thức rằng các thủ đoạn này không thể là chính sách quốc gia”.

Theo ông Ivan Andrievsky, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Kỹ thuật 2K, có thể lập luận rằng con đường mới của Nga là một kiểu “tổng hợp con của chúng ta với kinh nghiệm của Trung Quốc”. Theo ý kiến của ông, kinh nghiệm của Trung Quốc nên được xem xét trong một số lĩnh vực: từ sự kiểm soát của nhà nước đối với các ngân hàng chủ chốt, các công ty hàng hoá, các nhà sản xuất độc quyền, hồi sinh việc lập kế hoạch nhà nước cho phát triển kinh tế đến việc tạo ra các điều kiện tuyệt vời cho các nhà phát minh, chuyển đổi xã hội ở các thành phố có dân số dưới 100.000 dân, tích cực phát triển các công ty của riêng Trung Quốc trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Kinh nghiệm tăng trưởng của Trung Quốc thông qua phát triển tiêu dùng nội địa là lịch sử của những thập kỷ gần đây. Người đứng đầu bộ phận phân tích của công ty tài chính Amarkets Artem Deev cho biết: “Các nhà chức trách đã đặt mục tiêu là nâng cao đời sống của người dân. Thu nhập của người dân vùng nông thôn tăng lên, các làng mới được xây dựng, các ngành công nghiệp và việc làm được tạo ra. Cùng lúc đó, quá trình công nghiệp hoá đất nước đang diễn ra, các dự án xay dựng đường cao tốc, thành phố mới và phát triển công nghiệp đã được đưa ra”.

Theo ông Deev, nguyên nhân chính khiến tiêu dùng nội địa ở Nga thấp là do chênh lệch thu nhập giữa các vùng nông thôn và các siêu đô thị, điều này khiến dân số ở nhiều vùng nông thôn sụt giảm do dòng người đổ về các thành phố. Chuyên gia này nói: “Về vấn đề này, kinh nghiệm của Trung Quốc đương nhiên rất có lý để áp dụng. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi một chiến lược chi tiết kéo dài nhiều năm để phát triển các thị trấn nhỏ, làng mạc, để tạo ra việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát triển các vùng lãnh thổ xa xôi, cải thiện đời sống của người dân là một nhiệm vụ trong nhiều thập kỷ tới, đòi hỏi nguồn lực tài chính và hành chính khổng lồ”.

Trong tình hình kinh tế hiện nay, kinh nghiệm của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng trong việc phân chia thị trường chứng khoán và tiền tệ các thành thị trường nước ngoài và trong nước, tạo ra một hệ thống điều tiết và kiểm soát hiệu quả cho đến khi nền kinh tế có khả năng hội nhập mới vào chuỗi sản xuất toàn cầu, và xây dựng xã hội thịnh vượng. Đồng thời, chuyên gia này cho rằng sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Nga sẽ diễn ra theo kịch bản kích thích thay thế nhập khẩu bằng các giải pháp công nghệ đơn giản. Với mô hình này, rất có thể nhu cầu trong nước, với sự gia tăng thu nhập của các hộ gia đình, vẫn sẽ chuyển hướng sang hàng nhập khẩu.

Một khía cạnh của nền kinh tế là thị trường lao động, và một lần nữa, kinh nghiệm của Trung Quốc lại được nhắc đến. Ông Alexei Mironiv, Phó Chỉ tịch điều hành công ty tài chính ANCOR cho biết: “Tại Nga, một phần đáng kể chuỗi sản xuất đã được nội địa hoá và Nga thậm chí còn thu hút một số lượng lớn nhà đầu tư trong nước quan tâm đến việc mở cơ sở sản xuất tại địa phương. Điều này đã tác động đáng kể tới thị trường lao động.

Theo ông Mironov, thị trường lao động Nga sẽ phản ứng một cách thích hợp với những thay đổi của nền kinh tế, nếu chính phủ có thể nhanh chóng định hướng lại sản xuất và hỗ trợ các khu vực áp dụng nhiều công nghệ. Chuyên gia này giải thích: “Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cho tiêu dùng trong nước và người mua sẽ không có lý do để mua hàng nước ngoài. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến sự phát triển của các dự án trong nước, sự gia tăng nhu cầu về chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế và thị trường lao động sẽ tự động hồi phục”.

Trong khi đó, theo ông Vitaly Arbizov, Giám đốc điều hành của công ty phần mềm INPRO.digital, những thay đổi cơ cấu đã được nhận thấy trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 4/2022, nhu cầu về lập trình viên của thị trường tăng mạnh. Một trong những nhiệm vụ chính của Chính phủ Nga là phát triển ngành phần mềm của Nga. Theo chuyên gia này, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số của Nga có thể cần thêm khoảng 800.000-900.000 chuyên gia công nghệ thông tin nữa.

Nhưng tất nhiên, có những khác biệt trong hoàn cảnh của Nga và Trung Quốc. Ông Vladimir Chernov – một nhà phân tích tại công ty đầu tư Freedon Finance cho biết: “Một dấu ấn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Trung Quốc có thể là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của sản xuất công nghiệp, sự đảm bảo cải thiện hoạt động của thị trường lao động và tăng nhu cầu trong nước. Nga cũng sẽ phải làm như vậy, nhưng trong bối cảnh hạn chế nhập khẩu công nghệ, linh kiện, thiết bị, trong khi Trung Quốc không gặp phải những khó khăn như vậy. Điều Nga nên nghiên cứu là kinh nghiêm thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Tuy nhiên, do hoàn cảnh hiện tại, điều này là không dễ dàng, vì vậy chính phủ cần phải định hướng lại các dòng vốn không giống như Trung Quốc”. Một ví dụ khác nữa là Nga nên tính đến kinh nghiệm của Trung Quốc trong chính sách tiền tệ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành công nghiệp, nhưng trong tương lai gần, Ngân hàng Trung ương sẽ không thể theo đuổi chính sách tiền tệ với lãi suất thấp.

Đồng thời, chuyên gia Churakov cũng đề cập đến kinh nghiệm lịch sử: “Dựa trên kinh nghiệm của Liên Xô, cần khôi phục dây chuyền công nghệ và hội nhập sâu rộng với các vùng lãnh thổ được giải phóng”. Theo ông, Nga cần phải giảm bớt các rào cản hải quan, thúc đẩy hội nhập giữa các vùng lãnh thổ về kinh tế và hậu cần, nhưng cần phải có cơ sở khái niệm cho việc này.

Trần Quyên (theo The Independent)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here