Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh – kinh nghiệm từ Đan Mạch

0
158

Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen nhận định, nếu không tạo ra được môi trường đầu tư cạnh tranh, Việt Nam sẽ khó có khả năng thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho phát triển ngành năng lượng.

Các đại biểu tham dự lễ công bố báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021. (Ảnh: Cấn Dũng)

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch tổ chức lễ công bố báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021.

Tại lễ công bố báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, từ năm 2013, chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. Đồng thời, cùng với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có Hydro, amoniac xanh… khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế”.

Cũng tại buổi lễ, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng Đan Mạch (DEA) Kristoffer Bottzauw cho biết, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh, như được thể hiện qua cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26.

Ông Kristoffer Bottzauw khẳng định: “Thông qua báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn chia sẻ làm thế nào để đạt được mục tiêu này đúng thời hạn với chi phí thấp nhất có thể vì lợi ích đất nước, người dân và đặc biệt là khí hậu toàn cầu”.

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 đã chỉ ra rằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí hiệu quả bằng cách điện khí hoá mạnh mẽ ngành công nghiệp và giao thông vận tải cùng với mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo và thực hiện các mục tiêu tham vọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chuyên gia của Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch Loui Algren cũng cho biết, Việt Nam cần sớm hành động chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép bao gồm giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ông Loui Algren nhấn mạnh: “Điện khí hóa trực tiếp đóng vai trò chủ chốt với khoảng 80% nhu cầu vận tải hành khách, 50% nhu cầu vận tải hàng hóa cần được điện khí hóa vào năm 2050. Việt Nam cần bắt đầu loại bỏ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2025, chuyển dần sang các phương thức vận tải công cộng, đồng thời chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt chạy điện”.

Theo Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chính phủ Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất để hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi xanh, cam kết chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng nhất.

Theo Đại sứ Højlund Christensen, một trong những hợp tác quan trọng là phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đây là ngành công nghiệp mới hoàn toàn khác với công nghệ gió gần bờ hiện có, từ quy mô công suất và công nghệ.

Hiện tại, Đan Mạch là quốc gia đi đầu trong việc giảm chi phí điện gió ngoài khơi và có thể chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách dài hạn và ổn định, giúp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có thể cạnh tranh với các công nghệ phát điện khác về giá mà không cần trợ cấp của chính phủ.

Đối thoại minh bạch giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro và xây dựng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi là bài học kinh nghiệm quý báu nhất từ Đan Mạch. Nếu không tạo ra được môi trường đầu tư cạnh tranh, Việt Nam sẽ khó có khả năng thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho phát triển ngành này.

So với các ấn phẩm năm 2017 và 2019, báo cáo triển vọng Năng lượng 2021 đưa ra các kịch bản triển vọng năng lượng với các số liệu đầu vào và các giả định khác nhau, nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 cũng trình bày các kết quả nghiên cứu về: các kịch bản phát triển điện và năng lượng; khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn.

Đồng thời, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển Điện VIII cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here