Các nhà phân tích nhận định gần ba tháng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Ai Cập vẫn đối mặt với những thách thức do cuộc xung đột này gây ra đối với chính sách đối ngoại của Cairo, giữa lúc một thế giới ngày càng phân cực đang khiến nước này không có nhiều lựa chọn.
The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) mới đây đánh giá về những thách thức đối với chính sách đối ngoại của Ai Cập, trong đó cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đẩy các mối quan hệ của Cairo với Mỹ và Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Là một đồng minh thân cận của Mỹ và có các mối quan hệ quan trọng với châu Âu, mối quan hệ của Ai Cập với Nga đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự kiên nhẫn và thận trọng vốn đã xác định chính sách đối ngoại của Cairo xét về mặt truyền thống có thể giúp người Ai Cập có thêm thời gian để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Giáo sư khoa học chính trị Gehad Auda, thuộc Đại học Helwan của Ai Cập, nhận xét: “Thách thức ngày càng lớn theo từng ngày, cho dù ở cấp độ quan hệ song phương”. Theo chuyên gia này, Ai Cập đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề ở nhiều cấp độ do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập vẫn đang oằn mình trước những tác động tàn phá do đại dịch COVID-19 gây ra, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn một số nguồn cung cấp quan trọng của Ai Cập, với Nga và Ukraine chiếm 80% lượng lúa mỳ nhập khẩu của Ai Cập, khiến lạm phát tăng vọt lên hai con số và dẫn đến tình trạng tháo chạy nguồn vốn đầu tư nước ngoài trị giá hàng tỷ USD.
Lĩnh vực du lịch của Ai Cập cũng bị ảnh hưởng khi mất đi lượng lớn khách du lịch từ Ukraine và Nga. Du khách Ukraine và Nga chiếm ít nhất một phần ba trong tổng số hơn 10 triệu du khách quốc tế đến Ai Cập mỗi năm. Trong tháng trước, lạm phát cao đã buộc chính phủ Ai Cập phá giá đồng bảng khi quyết định giảm 14% giá trị đồng nội tệ so với đồng USD, và bắt đầu tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói giải cứu khả thi, sau khi quốc gia Bắc Phi này cấm xuất khẩu các loại thực phẩm thiết yếu và đưa ra một chương trình kích thích tốn kém để ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Chính phủ Ai Cập cho biết họ tự tin sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra hiện nay, giống như họ đã vượt qua đại dịch, song những thách thức về chính sách đối ngoại do cuộc xung đột tạo ra mà Cairo phải đối mặt có nhiều sắc thái và phức tạp hơn nhiều.
Nhà phân tích Michael Hanna, giám đốc chương trình Mỹ của tổ chức International Crisis Group, nhận định: “Ai Cập là một trường hợp đặc biệt so với phương Tây vì nước này có quan hệ bền chặt với Nga và là đối tác quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Ai Cập tiếp tục né tránh và không muốn hành động nhiều hơn sau khi bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết ngày 2/3 của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine”.
Ai Cập đã mất nhiều năm để cố gắng bảo vệ mình khỏi sự phân cực của Chiến tranh Lạnh trong những năm 1950 và 1960, và đồng sáng lập Phong trào Không Liên kết (NAM) vào năm 1955 với nỗ lực thiết lập một cách tiếp cận chung trước sự kình địch giữa Liên Xô và Mỹ.
Nhưng trên thực tế, Ai Cập đã trở thành một đồng minh thân thiết của Liên Xô trong nhiều thập kỷ và dựa hoàn toàn vào nguồn vũ khí của Moskva mà nước này sử dụng trong hai cuộc xung đột tranh chống lại Israel vào năm 1967 và 1973. Liên Xô cũng đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp Ai Cập triển khai một số dự án phát triển quan trọng trong những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, thế giới hiện nay là một thế giới khác và việc khôi phục phương thức tuyên truyền mà Ai Cập từng sử dụng cách đây hàng thập kỷ để che đậy mối quan hệ đồng minh với Liên Xô khó có thể hiệu quả hoặc thuyết phục được vào thời điểm hiện nay.
Ông Mohamed Anis Salem, một nhà ngoại giao nghỉ hưu thuộc Hội đồng Đối ngoại Ai Cập, cho biết: “Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc hệ thống quốc tế. Hiện có những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy một cuộc xung đột lâu dài hơn giữa phương Tây và Nga. Nhưng Ai Cập có lịch sử ngoại giao sáng tạo để thích ứng với một môi trường toàn cầu đang thay đổi. Nước này sẽ cần phải tìm kiếm các lựa chọn thực tế, như hợp tác về trật tự an ninh khu vực và củng cố nền kinh tế của mình”.
Điều đó có thể là đúng, ít nhất một phần, nhưng việc vạch ra một lộ trình giúp Ai Cập tránh xa “Chiến tranh Lạnh mới” là một điều khó khăn, không chắc chắn và rủi ro. Ai Cập đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ trong 40 năm qua, giai đoạn mà hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động chống khủng bố và chia sẻ thông tin tình báo.
Hợp tác quân sự giữa Ai Cập và Mỹ rất rộng và đa dạng, từ việc mua sắm các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ cho đến các cuộc tập trận chung. Không phận của Ai Cập liên tục được các máy bay chiến đấu của Mỹ tiếp cận và tàu chiến Mỹ được phép di chuyển trên Kênh đào Suez. Tuy nhiên, quan hệ giữa Cairo và Nhà Trắng trong những năm gần đây cũng đã trải qua các giai đoạn căng thẳng, chủ yếu là do những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Ai Cập, vốn bị Cairo coi là sự can thiệp vô căn cứ hoặc không thể chấp nhận được vào các vấn đề đối nội của họ.
Mối quan hệ gần gũi của Ai Cập với Nga chỉ mới được củng cố trong 6-7 năm qua, nhưng trong thời gian tương đối ngắn này, quan hệ giữa hai nước đã phát triển thành một mối quan hệ đặc biệt và đa tầng. Để làm hài lòng Cairo, Moskva không công khai chia sẻ quan điểm của mình về bất kỳ chính sách nào của người bạn Arab này.
Sau khi Washington từ chối cung cấp cho Ai Cập các máy bay chiến đấu F-15 nhằm thay thế cho phi đội máy bay chiến đấu F-16 kém khả năng của mình, Ai Cập đã mua các máy bay SU-35 do Nga chế tạo để thay thế chúng. Cairo cũng đã mua máy bay trực thăng của Moskva và đã tổ chức các cuộc tập trận chung với các lực lượng Nga. Ai Cập cũng đã tìm đến Nga để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đang huy động các nguồn vốn đầu tư của Nga vào Khu Kinh tế Kênh đào Suez.
Nguyễn Trường