Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Tính toàn và kỳ vọng của Hàn Quốc?

0
186
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 18/5 thông báo nước này đã quyết định tham gia sáng kiến kinh tế IPEF do Mỹ dẫn dắt nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. (Nguồn: businesskorea)

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 18/5 thông báo nước này đã quyết định tham gia sáng kiến kinh tế do Mỹ dẫn dắt nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Cụ thể, phát biểu trong buổi họp báo cùng ngày, Kim Tae-hyo, Phó Chánh văn phòng thứ nhất, Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, cho biết: “Tổng thống Yoon Suk-yeol có kế hoạch tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến công bố triển khai IPEF tại Nhật Bản, vào ngày 24/5”, đồng thời cho biết thêm rằng có 8 quốc gia tham gia sáng kiến của Mỹ.

Hai tờ báo lớn của Hàn Quốc là The Korea Times và The Korea Herald đã có các bài phân tích về quyết định của Hàn Quốc khi tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn dắt.

Kỳ vọng của Hàn Quốc

Quyết định được đưa ra hai ngày trước chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đang cân nhắc thông báo chính thức về ý định tham gia IPEF và ủng hộ việc gia nhập khuôn khổ này tại hội nghị thượng đỉnh Yoon-Biden, dự kiến diễn ra ngày 21/5. Theo tờ The Korea Times, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol và Tổng thống Joe Biden có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh và kinh tế của khu vực Đông Bắc Á đang đứng trước những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Chính quyền của ông Biden đã công bố sáng kiến IPEF tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tháng 10/2021 với vai trò là một sáng kiến hợp tác kinh tế khu vực, bao gồm các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cho biết IPEF sẽ hướng đến các mục tiêu chung là điều kiện thương mại thuận lợi; các tiêu chuẩn của nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ; phục hồi chuỗi cung ứng; trung hòa carbon và năng lượng sạch; cơ sở hạ tầng; tiêu chuẩn lao động và các lĩnh vực cùng quan tâm khác.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/5, người phát ngôn Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre, cho biết: “Khuôn khổ kinh tế này sẽ tập trung vào việc đạt được các thỏa thuận với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ có quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta phải thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực này một cách nhanh chóng”. IPEF dự kiến sẽ được Tổng thống Biden tuyên bố triển khai trong chuyến thăm Nhật Bản từ 22-24/5 tới.

Hàn Quốc kỳ vọng rằng tham gia IPEF sẽ giúp nước này đóng vai trò dẫn dắt trong các cuộc thảo luận toàn cầu đối với các lĩnh vực quan trọng, như nền kinh tế kỹ thuật số, trung hòa carbon và năng lượng sạch. Điểm đặc trưng của sáng kiến này là thiết lập các kênh cung ứng ổn định những nguồn nguyên liệu công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn và pin. Là quốc gia đi đầu trong các lĩnh vực này, Hàn Quốc có thể cân nhắc đề nghị Mỹ những lợi ích nhất định để đổi lấy việc đồng ý gia nhập IPEF. Trong đó có việc gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Điều này trở nên cấp thiết đối với Seoul trong bối cảnh thị trường tài chính gần đây ngày càng trở nên bất ổn, bao gồm tình trạng đồng won của Hàn Quốc liên tục giảm giá so với đồng USD, với lý do Mỹ liên tục tăng lãi suất.

Có thể nói, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công khai ý định tham gia IPEF trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 16/5. Ông cam kết sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua khuôn khổ IPEF trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần này.

Phản ứng của Trung Quốc

Hiện nay, ngày càng có nhiều quan ngại cho rằng khối kinh tế mới, bao gồm các đồng minh chủ yếu của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Singapore và New Zealand, có thể tạo ra những hệ quả trái với mong muốn. Sáng kiến này nằm trong chiến lược bao vây, kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Bắc Kinh có thể cảm thấy “khó chịu” và tiến hành các biện pháp trả đũa các nước thành viên trong khối. Trái với kỳ vọng “màu hồng”, khuôn khổ kinh tế mới có thể khiến tình trạng dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngày 17/5, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết, IPEF dự kiến sẽ là một trong các nội dung ưu tiên trong chương trình nghị sự thượng đỉnh, đồng thời nhấn mạnh rằng sáng kiến này có thể được tuyên bố khởi động tại Nhật Bản. Tuy nhiên, chính phủ phải chuẩn bị cho kịch bản Trung Quốc có thể phản ứng dữ dội vì Bắc Kinh tuyên bố rằng sáng kiến là nhằm chống lại nước này bằng cách loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và sắp xếp lại chuỗi cung ứng.

Ngày 18/5, trong cuộc hội đàm đầu tiên theo hình thức trực tuyến giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc và Trung Quốc từ sau lễ nhậm chức tổng thống Hàn Quốc, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Hàn Quốc không nên tham gia IPEF do Mỹ dẫn dắt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra một tuyên bố tóm tắt nội dung hội nghị trực tuyến diễn ra hôm 16/5. Điểm đáng chú ý nhất trong tuyên bố là phát biểu của ông Vương Nghị cho rằng hai nước phải phản đối “xu hướng tiêu cực của việc tách rời” các liên kết kinh tế và “duy trì hoạt động ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.

Trong thông cáo báo chí trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không đưa ra bất cứ thông tin nhạy cảm nào liên quan đến phát biểu nói trên của Ngoại trưởng Vương Nghị, thay vào đó cơ quan này chỉ tuyên bố: “Xét đến môi trường quốc tế đầy biến động hiện nay, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Tuy nhiên, phát biểu đầy đủ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được trích dẫn như sau: “Thứ hai, (Trung Quốc và Hàn Quốc phải) tăng cường hợp tác hai bên cùng có lợi và cùng nhau hợp tác vì sự phát triển và phục hồi. Thị trường khổng lồ của Trung Quốc sẽ cung cấp nguồn lực ổn định cho sự phát triển lâu dài của Hàn Quốc. Với thế mạnh tương ứng trong các lĩnh vực kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và năng lượng mới, hai bên có thể hợp tác để đạt được những thành quả tích cực. Chúng ta cần hành động trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung, phản đối xu hướng tiêu cực, bao gồm việc ‘tách rời’, ‘cắt đứt chuỗi cung ứng’ và duy trì sự hoạt động ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.

Phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị về việc phản đối sự tách rời giữa Hàn Quốc và Trung Quốc dường như mang hàm ý đáp trả tuyên bố của Hàn Quốc về ý định tham gia IPEF. Giới quan sát cho rằng nhà ngoại giao Trung Quốc ám chỉ việc nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của Hàn Quốc có thể được coi là một lời cảnh báo rằng nền kinh tế Hàn Quốc có thể bị tổn hại nếu Hàn Quốc tham gia sâu vào khuôn khổ IPEF của Mỹ.

Hàn Quốc toan tính điều gì?

Về phía Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cân nhắc đến mọi chi phí và lợi ích của việc tham gia IPEF và cho rằng “ sẽ khó hơn nhiều nếu không tham gia sáng kiến” và nhấn mạnh rằng nếu Hàn Quốc không tham gia, nền kinh tế nước này sẽ chịu những tác động tiêu cực.

Giới phân tích cho rằng quyết định tham gia IPEF của Hàn Quốc dường như là “không thể tránh khỏi”, vì Seoul hiện đang phải “chọn bên” trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang. Park Won-gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha cho biết: “Khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt và diễn biến theo hướng của một trò chơi có “tổng bằng không”, Hàn Quốc bị đặt vào tình thế phải chọn bên”.

Mặc dù Chính quyền của ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh rằng quyết định tham gia IPEF là dựa trên lợi ích quốc gia và không nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhưng đảng đối lập đang bày tỏ lo ngại về khả năng bị Trung Quốc trả đũa về ngoại giao và kinh tế. Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Năm 2016, Chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng thử tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên Bán đảo Triều Tiên. Hệ quả là Chính phủ Trung Quốc đã đáp trả bằng một chiến dịch trả đũa kinh tế, tẩy chay “không chính thức” các sản phẩm của Hàn Quốc và áp đặt các quy định hạn chế du lịch.

Lần này, Seoul đã cố gắng xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh. Ông Kim Tae-hyo cho biết: “IPEF không nhằm mục đích buộc các nước tách khỏi liên kết kinh tế với Trung Quốc”. Ngoài ra, theo các nhà quan sát, ngay cả khi IPEF được triển khai, vẫn tồn tại sự không chắc chắn đối với cấu thành thành viên của tổ chức này và mức độ tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn cao của mỗi thành viên. Trong đó, một số quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế tập trung dưới sự lãnh đạo của nhà nước có thể “lạc nhịp” với IPEF.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống đã công bố lịch trình cụ thể của Hội nghị thượng đỉnh Yoon-Biden. Thời gian diễn ra hội nghị là khoảng 90 phút, tại Văn phòng Tổng thống ở quận Yongsan, thủ đô Seoul. Ông Kim cho biết: “Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về cách thức ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tăng cường an ninh kinh tế và hợp tác khu vực giữa hai đồng minh”. Trước khi diễn ra hội nghị, Tổng thống Biden dự kiến sẽ đến thăm Nghĩa trang Quốc gia Seoul, thăm cơ sở sản xuất chip của Tập đoàn Samsung Electronics ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi./.

Đức Hưng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here