Trang Fulcrum của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) ngày 17/5 đăng bài viết cho rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công du thành công tới Washington và chuyến đi này sẽ giúp thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại và các ưu tiên đối nội của Hà Nội.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mang lại cơ hội cho Việt Nam làm rõ quan điểm của mình về vấn đề Ukraine và tái khẳng định mong muốn của Hà Nội trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ với Washington. Trước chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam thông báo sẽ gửi 500.000 USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Dù số tiền khiêm tốn nhưng đã truyền tải thông điệp về sự thông cảm của Việt Nam với Ukraine.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) ngày 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định ‘lập trường nhất quán của Việt Nam’ là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như nhu cầu giải quyết tất cả tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực. Tuyên bố cho thấy lập trường ban đầu của Việt Nam đối với cuộc chiến Ukraine là nhằm duy trì mối quan hệ với Nga chứ không phải là từ chối các nguyên tắc chính sách đối ngoại của nước này hoặc một động thái có chủ ý nhằm xa lánh phương Tây.
Để thúc đẩy quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp một số chính trị gia cấp cao của Mỹ, gồm Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen. Trong cuộc gặp Thượng nghị sĩ Leahy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất thành lập Nhóm các nghị sĩ Quốc hội thân thiện với Việt Nam, một nỗ lực chủ động từ phía Việt Nam nhằm vận động sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với quan hệ song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã sử dụng chuyến đi để huy động sự hỗ trợ và các nguồn lực nhằm giúp thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau hai năm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Hoạt động ngoại giao vaccine đã giúp Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trong vòng 6 tháng, giúp Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào tháng 11/2021, nhưng khó khăn vẫn còn và Việt Nam cần nhiều cải cách và nguồn lực hơn để đổi mới động lực tăng trưởng.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự hội nghị với các doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức, gặp gỡ lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều nhà đầu tư Mỹ, bao gồm Intel, Apple, Google, Microsoft, Boeing, Blackstone, KKR và Bank of America. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc thảo luận với các chuyên gia tại Trường Harvard Kennedy, về tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam và hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Ý định của Thủ tướng Phạm Minh Chính là huy động các nguồn lực tài chính và công nghệ từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư Mỹ, đặc biệt là các tổ chức công nghệ cao, để giúp hồi sinh nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, số hóa kinh tế, chuỗi cung ứng công nghệ cao và nâng cấp nguồn nhân lực của Việt Nam.
Trong khi đó, cuộc gặp với các chuyên gia của Trường chính sách công Kennedy, Đại học Harvard nhằm đảm bảo sự hợp tác từ các cơ sở nghiên cứu của Mỹ nhằm giúp cải thiện năng lực quản trị của Việt Nam. Về cơ bản, đây là một nỗ lực nhằm nâng cấp ‘phần mềm’ quản trị của quốc gia nhằm tối đa hóa hiệu suất của ‘phần cứng’ cơ sở hạ tầng mới và khả năng sản xuất mà Việt Nam dự kiến sẽ có được trong tương lai.
So với các mục tiêu chính sách đối ngoại, kết quả kinh tế từ chuyến thăm Mỹ và các hành động tiếp theo sẽ có ý nghĩa ngang bằng. Nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải những khó khăn lớn. Nỗ lực của nhà lãnh đạo Việt Nam trong lĩnh vực này thành công sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thu Hằng