Các nhà sản xuất và xuất khẩu của Nga đang muốn tiếp cận và phát triển thị trường ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là nước hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) từ năm 2016, nhờ đó, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã tăng vọt. Các chuyên gia cho rằng, với kinh nghiệm và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại của Việt Nam ngày càng tăng, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Nga ở châu Á nên tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội tại thị trường Việt Nam khi thị trường này tiếp tục tăng trưởng.
Việt Nam là một lựa chọn tốt cho một đối tác thương mại đang phát triển như Nga. Việt Nam có cơ sở tiêu dùng lớn và ngày càng phát triển với 96 triệu dân, chi tiêu 1,86 tỷ USD vào năm 2021 và GDP bình quân đầu người khoảng 7.800 USD (GDP bình quân đầu người của Nga là khoảng 11.500 USD).
Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang chuyển sang kỹ thuật số. Năm 2021, giá trị chi tiêu của người tiêu dùng cho các ứng dụng di động tại Việt Nam lên tới 416 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với mức chi tiêu được báo cáo năm 2018. Năm 2021, người tiêu dùng Việt Nam đã tải xuống hơn 3 tỷ ứng dụng dành cho các thiết bị di động. Tăng trưởng GDP cả nước năm 2022 dự kiến đạt khoảng 6,8%.
Niềm tin của người tiêu dùng cũng ở mức cao. Các báo cáo gần đây cho thấy nền kinh tế nội địa đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều là những điểm nóng về tiêu dùng giá trị cao, với giá trị tiêu dùng vượt xa mức trung bình của người dân nước này. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ nhận được cú hích lớn do trở thành thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại bao gồm tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Nga đang hoạt động tại Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường khác thuộc RCEP.
Các xu hướng thương mại hiện tại của Nga với Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng. Theo Hải quan Nga, thương mại song phương Nga-Việt đạt 6,87 tỷ USD năm 2021, tăng 21,7% so với năm trước.
FTA giữa Việt Nam và EAEU bao trùm hơn 90% tổng số hàng hóa trao đổi và đã mang lại lợi ích to lớn cho hoạt động xuất khẩu nông sản cũng như công nghiệp của EAEU, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga gồm than củi, sắt cán nóng và thịt lợn. Xuất khẩu hịt lợn của Nga sang Việt Nam đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021.
Thêm 5.535 dòng thuế được cắt giảm xuống 0% vào năm 2019, các dòng thuế này tập trung vào các mặt hàng gồm nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, da giày, điện tử, nhựa, phân bón và nông nghiệp. Ngoài ra, 3.270 dòng thuế khác được cắt giảm xuống 0% đối với các mặt hàng như sữa và các sản phẩm từ sữa, hóa chất, ô tô và phụ tùng, sản phẩm thép, sản phẩm cao su và thiết bị điện.
Tuy nhiên, FTA giữa Việt Nam và EAEU cũng đưa ra một số biện pháp bảo hộ. Theo Điều 2.1, EAEU có thể áp dụng biện pháp tự vệ kích hoạt đối với hàng hóa Việt Nam trong trường hợp lượng nhập khẩu trong năm dương lịch vượt quá mức kích hoạt như quy định tại Phụ lục 2 của hiệp định. Hiện tại, theo biện pháp này, một số sản phẩm trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam phải đối mặt với thuế phòng vệ từ EAEU, nhằm hạn chế khối lượng nhập khẩu ngày càng tăng vào khu vực này. Kể từ ngày 14/3/2018, các sản phẩm đồ lót và quần áo trẻ em của Việt Nam đã bị áp thuế quan trong các khoảng thời gian tương ứng là 9 tháng và 6 tháng.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp của Nga phải đảm bảo rằng họ không vượt quá các mức kích hoạt như được xác định trong thỏa thuận, nếu không, họ có thể phải chịu thuế suất tối huệ quốc chứ không phải thuế suất ưu đãi theo quy định của FTA.
Các nhà sản xuất Nga cũng có cơ hội cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Gần đây, nhà sản xuất xe tải Gaz của Nga đã hoạt động tại nước này. Ngoài ra, đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nga sang Việt Nam, cần lưu ý rằng có sự khác biệt về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng giữa Nga và các nước ASEAN. Các nhà xuất khẩu Nga cần lưu ý những điều này.
Bài viết cho rằng, cách hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam là thành lập Văn phòng đại diện tại nước này, theo đó, văn phòng sẽ cung cấp dịch vụ thâm nhập chi phí thấp cho các công ty Nga muốn tìm hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam.
Văn phòng được phép tham gia các hoạt động như nghiên cứu thị trường, làm văn phòng liên lạc cho công ty mẹ, thúc đẩy các hoạt động của trụ sở chính thông qua các cuộc họp và các hoạt động khác tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh ở các giai đoạn sau.
Văn phòng đại diện được vận hành như một trung tâm chi phí và phụ thuộc vào công ty mẹ, nhưng không được phép tự tạo ra lợi nhuận hoặc ký kết hợp đồng trực tiếp. Văn phòng này cũng không được phép xuất hóa đơn, nhưng có thể hoạt động như một đại lý trên thực tế giữa trụ sở chính của Nga và doanh nghiệp Việt Nam.
Thọ Anh