Cấm vận dầu Nga, kinh tế châu Âu đối diện rủi ro đến mức nào?

0
94
(Reuters)
(Reuters)

Ở thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Âu đang đương đầu với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Quyết định cấm vận dầu Nga có thể đặt ra những thách thức mới đối với các nền kinh tế trong khu vực.

Ngày 4/5/2022, trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, khối này đề xuất giảm dần để tiến tới cấm vận dầu Nga, đồng thời trừng phạt ngân hàng lớn nhất của Nga. Theo đó, EU sẽ cắt giảm nhập dầu từ Nga trong vòng 6 tháng và đến cuối năm nay sẽ bắt đầu cấm vận dầu Nga.

Khi công bố gói trừng phạt mới, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một lần nữa cam kết sẽ có các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của lệnh cấm vận này đối với các nền kinh tế châu Âu. Hungary và Slovakia vẫn được tiếp tục mua dầu Nga cho tới cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện có – nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters.

Dù vậy, trước khi biện pháp trên được đưa ra, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã nhiều lần cảnh báo rằng Đức – nền kinh tế lớn nhất trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone – sẽ hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ khan hiếm năng lượng và áp lực tăng giá cả ngày càng lớn.

Việc cấm vận dầu Nga được xem là một sự trừng phạt dễ kiểm soát hơn là cấm vận khí đốt Nga. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến nguồn cung dầu của thế giới càng thêm phần eo hẹp, đúng vào lúc Mỹ và châu Âu đương đầu với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, cùng với sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng – Nguồn: TradingView.

“Trong ngắn hạn, nguồn dầu từ Nga trên thị trường thế giới có thể được thay thế, nhưng sẽ có nhiều chi phí tăng thêm và những thách thức về hậu cần”, BDI – một tổ chức vận động hành lang của ngành công nghiệp Đức – nhận định ngày 4/5. “Với lệnh cấm vận dầu Nga, giá năng lượng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng”.

Từ lâu, EU đã trăn trở về việc liệu khối này có thể trụ vững được nếu mất đi các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Năm ngoái, Nga chiếm hơn 1/4 tổng lượng dầu mà EU nhập khẩu.

Theo nhà kinh tế Klaus-Juerge Gern thuộc Viện Kinh tế thế giới Kiel, ảnh hưởng ngắn hạn của lệnh cấm vận dầu Nga mà EU vừa để xuất sẽ chỉ ở mức hạn chế, vì lộ trình cắt giảm tiến tới cấm vận dầu Nga đưa ra ngày 4/5 không có gì mới so với kế hoạch trước đó của EU về “cai” dầu Nga.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Ana Luis Andrade của Bloomberg Economics nhận đinh: “Đến hiện tại, đề xuất cấm nhập khẩu dầu Nga mà EU đưa ra chưa có nhiều ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu – một dấu hiệu cho thấy châu Âu có thể kiểm soát được ảnh hưởng kinh tế của lệnh cám vận dầu Nga. Bản chất toàn cầu của thị trường dầu và việc cắt giảm theo lộ trình trước khi chính thức cấm vận dầu Nga khiến cho biện pháp này bớt nguy hiểm hơn đối với EU nếu so với một lệnh cấm vận khí đốt Nga”.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 4/5, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu WTI giao sau tại New York cùng tăng khoảng 5%.

Ngoài ra, theo ông Gern, thị trường các sản phẩm dầu tinh luyện như diesel, nơi Nga là một nhà cung cấp quan trọng, có thể “trở nên thắt chặt, và giá có thể tăng cao hơn”. Hiện tại, phong toả ở Trung Quốc có thể khiến cho việc tìm nguồn cung thay thế dầu Nga dễ hơn, nhưng điều này có thể thay đổi một khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng tốc trở lại.

Đối với châu Âu, biện pháp cực đoan nhất trong vấn đề trừng phạt Nga sẽ là cấm vận khí đốt Nga. Khí đốt tự nhiên là loại nhiên liệu được vận chuyển qua hệ thống ống dẫn và khó thay thế hơn so với dầu, vì khí hoá lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển từ các nguồn khác sẽ không thể đủ để thay thế cho nguồn cung từ Nga.

Trong một báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sản lượng kinh tế của EU sẽ giảm đi 3% nếu khối này dừng nhập dầu thô và khí đốt từ Nga, so với trường hợp vẫn duy trì nhập khẩu các nhiên liệu này từ Nga.

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) nói rằng các hoạt động trong nền kinh tế nước này có nguy cơ giảm gần 2% trong năm nay nếu một lệnh cấm vận năng lượng dẫn tới những hạn chế đối với các nhà cung cấp điện và các ngành công nghiệp. Một số nhà phân tích lại cho rằng ảnh hưởng sẽ không nghiêm trọng đến như vậy và nền kinh Đức có thể “thẩm thấu” được cú sốc.

Nhà kinh tế Holger Schmieding của Berenberg tin rằng đến cuối năm nay, châu Âu có thể cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga về 0 mà không gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá dầu chóng mặt.

Một báo cáo của UBS Global Wealth Management nói ảnh hưởng của việc EU cấm vận dầu Nga đối với kinh tế châu Âu là “có thể kiểm soát được”, nhưng những bấp bênh về nguồn cung sẽ “tiếp tục giữ giá năng lượng ở mức cao”.

(An Huy/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here