Tuần lễ thương mại điện tử của UNCTAD

0
112
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Từ ngày 25-29/4/2022 Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tổ chức Tuần lễ thương mại điện tử 2022, quy tụ các chuyên gia Liên hợp quốc, quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện xã hội dân sự và học giả để tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo quá trình số hóa sẽ dẫn đến phát triển toàn diện và bền vững hơn.

Tại phiên họp cấp cao khai mạc Tuần lễ thương mại điện tử ngày 25/4 các đại biểu cho rằng quản trị toàn cầu tốt hơn đối với các công cụ và nền tảng kỹ thuật số – và dữ liệu do chúng tạo ra – là cần thiết để tránh sự phân mảnh hơn nữa của Internet và sự bất bình đẳng rộng lớn hơn.

Lưu lượng truy cập giao thức internet toàn cầu đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2017, theo Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số của UNCTAD năm 2021.[1] Nhưng chỉ có hai quốc gia – Trung Quốc và Mỹ – đang thu được hầu hết các lợi ích, chiếm 50% các trung tâm dữ liệu siêu lớn (hyperscale) của thế giới. Trong khi đó, gần 3 tỷ người vẫn ngoại tuyến, 96% trong số đó sống ở các nước đang phát triển.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid cho biết các dấu ấn phân tán của quá trình số hóa đã tạo ra những rủi ro và thách thức mới, đặc biệt là xung quanh vấn đề bất bình đẳng. Điều này trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã khiến doanh số bán hàng của 13 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tăng vọt, từ 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2019 lên 3,9 nghìn tỷ USD vào năm 2021, nhưng chưa đến 10% người dân ở các nước kém phát triển nhất (LDCs) mua sắm trực tuyến. Và những người ở các nước kém phát triển có kết nối Internet có kết nối băng thông rộng chậm hơn khoảng ba lần so với những người ở các nước phát triển.

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng “Quản trị là điều sẽ quyết định kết quả của chuyển đổi kỹ thuật số” và quản trị cần giúp đảm bảo dữ liệu có thể được khai thác để đối phó với biến đổi khí hậu, đại dịch, năng suất và quy hoạch đô thị, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và an ninh quốc gia, đồng thời đảm bảo lợi ích từ dữ liệu được chia sẻ công bằng hơn. Bà Grynspan cho biết, Liên hợp quốc có thể giúp đẩy nhanh tiến độ trong lĩnh vực này bằng cách điều phối các hoạt động khác nhau liên quan đến dữ liệu và xây dựng liên kết với các quy trình và sáng kiến ​​khác do xã hội dân sự, giới học giả và khu vực tư nhân dẫn đầu.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cho biết việc sử dụng dữ liệu tăng cao có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với thương mại và phát triển kinh tế mà còn đối với nhân quyền và hòa bình và an ninh. Bởi vì “cách chúng ta xử lý dữ liệu sẽ có tác động rất lớn đến khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Dữ liệu không khác gì các hàng hóa công toàn cầu khác, do đó chúng nên được quản lý như hàng hóa công”. Tương tự, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Shahid cho biết việc quản trị dữ liệu và kỹ thuật số phải được thực hiện khẩn cấp và tăng cường hợp tác, vì “không một công ty hoặc doanh nghiệp nào có thể có phương tiện để độc quyền quản lý và điều tiết hàng hóa công”.

Các luồng dữ liệu xuyên biên giới hiện được điều chỉnh bởi nhiều luật và công cụ quốc tế, khu vực và quốc gia. Việc tăng cường các luồng dữ liệu xuyên biên giới đòi hỏi một cách tiếp cận quản trị toàn cầu cân bằng nhằm tối đa hóa lợi ích phát triển, truyền bá lợi ích một cách công bằng và giảm thiểu rủi ro và tác hại. Ông Vint Cerf, phó chủ tịch kiêm giám đốc quảng bá internet tại Google, cho biết nếu các bên liên quan giải quyết được các vấn đề chính sách quản trị hiện có, công nghệ sẽ tăng tốc và dẫn đến kết quả toàn diện hơn.

[1] Toàn văn báo cáo có tại địa chỉ: https://unctad.org/system/files/official-document/der2021_en.pdf

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here