Trong báo cáo tháng 12 về “Giám sát kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi tích cực trong năm 2022 nhờ giới đầu tư nước ngoài tin tưởng đổ tiền vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Ngân hàng thương mại HSBC thậm chí còn đưa ra dự báo lạc quan hơn.
Theo báo cáo của WB, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch khắt khe trên cả nước, trong đó sản xuất công nghệ và hàng hóa bán lẻ đều gia tăng tháng thứ ba liên tiếp. Nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế tiếp tục phục hồi. So với tháng 10, trong tháng 11 có những tín hiệu sau: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, vượt mức cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2%; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 45%, lần đầu tăng trở lại kể từ tháng 5; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ hai liên tiếp.
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều hơn sau khi bị sụt giảm trong tháng 10. Lạm phát cũng gia tăng phần nào khi Việt Nam tăng giá nhiên liệu, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa ngoài thực phẩm cũng tăng trở lại dù chi phí vận chuyển tăng. Điều này hậu thuẫn đáng kể cho sự phục hồi kinh tế.
Tháng 10/2021, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 chỉ đạt khoảng 2% đến 2,5%, giảm mạnh so với dự báo là 4,8% mà WB đưa ra trước đó chỉ một tháng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của WB vẫn cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức từ 6,5% đến 7% trong năm 2022, trong khi Quốc hội Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm tới là từ 6% đến 6,5%.
Trong khi đó, ngân hàng thương mại HSBC lạc quan hơn khi dự báo rằng GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,8% vào năm 2022 nhờ giới đầu tư nước ngoài không “bỏ chạy” mà còn đổ vào nhiều hơn với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng thuận lợi đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là nhờ ảnh hưởng tốt từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước trong 2 năm qua. Báo chí trong nước đề cập tới sự phát triển của tầng lớp trung lưu ngày mỗi đông hơn, giúp dân chúng chi tiêu nhiều hơn, cả về du lịch và giải trí.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lan rộng và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội là những mối đe dọa cho sự phục hồi mong manh của nền kinh tế. Trong năm 2021, tình hình trong và ngoài nước khó lường đến mức các kịch bản tăng trưởng, kể cả do các tổ chức dự báo khả tín đưa ra, đều khó chính xác và thường phải điều chỉnh nhiều lần.
Trước hết, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP hơn 200%, do vậy sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm dấy lên làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính thế giới. Giới đầu tư lo ngại chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế thế giới. Siêu biến thể Omicron đang buộc nhiều nước, đặc biệt ở châu Âu như Anh, một số nước EU, Hàn Quốc… thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn, khiến nhu cầu sụt giảm, chuỗi cung trên thế giới tiếp tục đứt gãy và số lao động buộc phải rời thị trường gia tăng. Ngoài sự tác động của biến thể Omicron, cuộc khủng hoảng năng lượng, giá cả hàng hoá tăng cao, bất ổn xã hội và địa chính trị hay biến đổi khí hậu cũng là mối đe dọa lớn.
Đối với Việt Nam, những bài học không chỉ cho các nhà dự báo mà cả nhà hoạch định chính sách là đại dịch COVID-19 khó lường và tác động của dịch bệnh tới hoạt động kinh tế vẫn là mối đe doạ lớn nhất cho sự phục hồi và tăng trưởng, trong đó chiến lược ứng phó, chiến lược vaccine có ý nghĩa quan trọng.
Nghị quyết 128 – CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ là sự thay đổi chính sách bước ngoặt, từ chính sách “Không COVID” đến “sống chung với đại dịch”. Tuy nhiên, chiến lược mới cần có thời gian để đánh giá sự tác động. Sự thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch đang lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn đang tiếp tục tác động tiêu cực tới kinh tế – xã hội.
Thọ Anh