Truyền thông Singapore: Triển vọng kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều yếu tố

0
55

Triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố: (i) tốc độ tiêm chủng quốc gia; (ii) diễn biến của đại dịch và việc nối lại các hoạt động kinh tế ở các nước cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường xuất khẩu; và (iii) tăng trưởng thấp hơn dự kiến, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng tới khôi phục tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch là 6,5% đến 7% từ năm 2022 trở đi.

Chỉ ra triển vọng và rủi ro đối nền kinh tế Việt Nam thời gian tới, trang Alpha Edge Investing của Singapore mới đây nêu bật đề xuất các biện pháp hỗ trợ quá trình phục hồi.

Một số công ty toàn cầu đã chuyển hoạt động sản xuất và vận hành sang Việt Nam. Rõ ràng là Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và xu hướng này chỉ mới bắt đầu. Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với giá trị lên tới 125,95 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2020. Thiết bị điện và điện tử là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo. Do đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Tháng 9/2021, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 3,8%, từ mức 6,7% trong tháng 4. Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 từ 6,5% xuống 4,7%. Kinh tế Việt Nam có nền tảng nông nghiệp vững chắc, với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là gạo, cà phê và tiêu đen. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến năm 2018, đóng góp của nông nghiệp vào GDP giảm dần trong khi lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng nhanh chóng. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% đến 7%, nhằm tăng GDP bình quân đầu người lên 4.700 USD từ mức ước tính 2.750 USD của năm nay.

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng tới khôi phục tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch là 6,5% đến 7% từ năm 2022 trở đi. Đây là sự điều chỉnh so với mức dự báo 6,8% cho năm 2021 trong báo cáo trước đó và cũng thấp hơn so với dự báo chính thức về tốc độ tăng trưởng GDP là 6% vào năm 2021. Việc hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 này có tính đến đợt bùng phát dịch COVID-19 thời gian qua, được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là mức dự báo dựa trên giả định đợt bùng phát hiện tại sẽ dần được kiểm soát, cho phép nền kinh tế phục hồi trong quý 4. Sự phục hồi này một phần được hỗ trợ nhờ việc tăng tốc chương trình tiêm chủng, ngăn ngừa các đợt bùng phát nghiêm trọng mới.

Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có tương quan chặt chẽ với cường độ của các biện pháp hạn chế di chuyển và tỷ lệ tiêm chủng trong dân số. Một phân tích của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cho thấy cứ mỗi tháng ngừng hoạt động, sản lượng công nghiệp dự kiến sẽ giảm khoảng 10%. Mối tương quan này thể hiện trong thời gian Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội vì COVID-19 vào tháng 4/2020, khi cả sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều giảm đột ngột. Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, sản lượng được kỳ vọng sẽ trở lại bình thường, dù với tốc độ chậm hơn trong bối cảnh biến thể mới nhất Omicron bắt đầu lây lan trên toàn cầu.

Thu nhập so với một năm trước đã được cải thiện dù những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch đối với các hộ gia đình vẫn còn rõ ràng ngay cả trước khi bùng phát đợt dịch COVID-19 gần đây. Tính đến tháng 3/2021, 30% hộ gia đình vẫn có thu nhập thấp hơn so với thời điểm tháng 3/2020, giảm so với khoảng 50% vào tháng 1/2021. Khoảng 12% trong số các hộ gia đình này đang gặp khó khăn về tài chính do mất ít nhất 50% thu nhập.

Chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ sự phục hồi trong năm nay. Khi nền kinh tế hồi phục sau đợt bùng phát dịch thứ tư, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước thông qua các biện pháp có chọn lọc và bằng cách đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Cán cân tài khóa và tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến sẽ giảm nhẹ vào năm 2021. Gói hỗ trợ hộ kinh doanh và hộ gia đình thứ hai tuy khiêm tốn, song nếu được thực hiện sẽ tiêu tốn khoảng 0,4% GDP. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư vẫn nằm trong ngân sách. Chính sách tiền tệ sẽ vẫn phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Lạm phát sẽ tiếp tục được điều chỉnh.

Khi động lực tăng trưởng vững chắc, chính sách tiền tệ sẽ trở lại trung lập kể từ năm 2022. Khi nền kinh tế trong nước phục hồi, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng các chính sách điều tiết, tập trung nhiều hơn vào mục tiêu ổn định lạm phát. Lạm phát được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì dưới 4% theo mục tiêu đề ra. Các “cú sốc” đối với nguồn cung thực phẩm có thể dẫn đến tăng giá thực phẩm và các dịch vụ hoặc tiện ích cụ thể trong ngắn hạn, song những điều này được cho là sẽ không thay đổi cơ bản dự báo về giá trong vài năm tới. Các nhà chức trách sẽ cần theo dõi cẩn thận sự gia tăng của các khoản cho vay kém hiệu quả để đảm bảo sức khỏe khu vực tài chính và thúc đẩy việc áp dụng các quy tắc vốn Basle II cho tất cả các ngân hàng đang hoạt động.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố: (i) tốc độ tiêm chủng quốc gia; (ii) diễn biến của đại dịch và việc nối lại các hoạt động kinh tế ở các nước cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường xuất khẩu; và (iii) tăng trưởng thấp hơn dự kiến, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Quá trình phục hồi ở Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc đang diễn ra nhưng còn mong manh. Nếu có rủi ro xảy ra ở các thị trường này, xuất khẩu và nhu cầu trong nước của Việt Nam sẽ không phục hồi như mong đợi. Nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 3,2% vào năm 2021 và 5,5% vào năm 2022. Lạm phát sẽ vẫn được giảm bớt, song cân đối tài chính và đối ngoại của quốc gia sẽ không được cải thiện như dự kiến từ năm 2021 trở đi.

Sự tham gia của lao động vẫn chưa hoàn toàn hồi phục về thời kỳ trước COVID-19 và thu nhập hộ gia đình cũng đã bị ảnh hưởng. Thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng đển quyết định tiêu dùng và đầu tư, và rộng ra là khả năng phục hồi của nền kinh tế. Thu nhập hộ gia đình giảm tác động tiêu cực đến đầu tư vào giáo dục và y tế cho trẻ em – ảnh hưởng lâu dài đến việc hình thành vốn con người của đất nước.

Với sự bùng phát của biến thể Delta vào tháng 5 năm nay, nhiều công ty đã phải đóng cửa và do đó, kéo theo nợ xấu tăng. Điều này tạo ra rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và các cơ quan chức năng sẽ cần theo dõi chặt chẽ mức độ nợ xấu trong nước. Việt Nam vẫn còn một số ngân hàng có vốn hóa thấp và bất kỳ sai sót nào trong việc giám sát nợ xấu đều có thể dễ dàng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính do sự thất bại của lĩnh vực ngân hàng.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng nhanh kể từ năm 2001. Sự phụ thuộc quá nhiều vào hàng hóa trung gian và vốn của Trung Quốc tạo ra những lỗ hổng trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Việt Nam có lẽ cần tìm kiếm các quốc gia thay thế để giao dịch nhằm giảm thiểu rủi ro này. Trong những năm qua, Việt Nam đã ký một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Đồng thời, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp chủ động để tăng tỷ lệ sử dụng các hiệp định này và thúc đẩy các cải cách kinh tế và thể chế nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế tổng thể. Nếu Việt Nam thành công trong những nỗ lực này, việc phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, vốn có khả năng kéo dài trong ngắn hạn và trung hạn, sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here