Một năm rời khỏi EU, kinh tế Anh vẫn lao đao?

0
141
(Nguồn: commentaryboxsports)

Kết thúc năm đầu tiên thực hiện thỏa thương mại mới giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trong 2 năm qua, hiện chưa thể khẳng định những khó khăn trong nền kinh tế hiện nay của Vương quốc Anh là do tác động của đại dịch hay do tác động của Brexit.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng, nền kinh tế Anh vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi thế giới mở cửa trở lại. (Nguồn: commentaryboxsports)

Số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 11/11 cho thấy quý III/2021, kinh tế Anh tăng trưởng thấp hơn nhiều so với quý trước đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang lao đao do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo báo cáo của ONS, trong quý vừa qua, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của quý trước đó. Tốc độ tăng GDP của nước này cũng thấp hơn 2,1% so với mức ghi nhận vào cuối năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Cơ quan trên cho biết nền kinh tế Anh đã suy giảm 0,2% trong tháng 7/2021 trước khi hồi phục vào tháng 8 và tháng 9.

Nhà kinh tế trưởng của ONS, ông Grant Fitzner, đánh giá hoạt động đầu tư kinh doanh ở Anh trong quý vừa qua vẫn tăng trưởng tốt so với các mức trước đại dịch. Mặc dù vậy, thâm hụt thương mại của nước này đã gia tăng do xuất khẩu hàng hóa sang các nước nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU) giảm trong khi nhập khẩu tăng, đặc biệt là nhập khẩu nhiên liệu.

Đánh giá về báo cáo của ONS, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng nền kinh tế Anh vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi thế giới mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông cho biết kinh tế nước này trong năm nay được dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7).

Các quy định mới, được áp dụng từ ngày 1/1/2021 khi Anh chính thức rời EU, đã tác động tới tăng trưởng kinh tế của nước này. Về tổng thể, Brexit dường như có tác động tiêu cực, song không chắc chắn, tới nền kinh tế Anh cũng như tới mức sống của người dân. Theo Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh, Brexit khiến tăng trưởng của Anh giảm khoảng 4% so với mức khi nước này vẫn nằm trong EU.

Trong bài phân tích trên tờ Financial Times, các nhà kinh tế cho rằng, hiện chưa thể xác định chính xác thiệt hại mà Anh phải hứng chịu do Brexit, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành hiện nay. Một trong những cách  đơn giản nhất để xem xét tác động của Brexit là đánh giá hoạt động kinh tế tổng thể của Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016 cho đến nay.

Tăng trưởng của Anh đã tụt hậu so với Mỹ và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2021 cao hơn 3,9% so với quý II/2016, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,2% của Eurozone, và 10,6% của Mỹ trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân ngoài Brexit khiến mức tăng trưởng thấp của Anh, một trong số đó là việc Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) thay đổi cách tính GDP, dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng giảm. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng cũng có thể bị ảnh hưởng các yếu tố khác nhau liên quan đến dịch COVID-19.

Với những nguyên nhân có thể gây nhiễu số liệu này, các nhà phân tích đã tập trung vào những tác động thương mại để đánh giá hiệu ứng của Brexit. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cải cách châu Âu, John Springford, đã tính toán hiệu quả hoạt động thương mại của Anh dựa trên mô hình được xây dựng từ hoạt động của các quốc gia tương tự, theo đó, tính đến tháng 10/2021, xuất nhập khẩu hàng hóa của Anh giảm 15,7% so với mức nếu nước này vẫn nằm trong liên minh thuế quan và thị trường chung EU. Cùng với đó, bất ổn và đồng bảng Anh mất giá sau cuộc trưng cầu ý dân đã khiến nền kinh tế nước này mất khoảng 4-5% thu nhập quốc dân so với kỳ vọng nếu Anh vẫn ở lại EU.

Về tác động thương mại có hay không gây tổn hại cho GDP của Anh, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nottingham, Sarah Hall, cho biết xuất khẩu dịch vụ của Anh trong quý II năm nay giảm 14% so với hai năm trước đó trên toàn cầu, phản ánh tác động của COVID-19, đặc biệt đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, xuất khẩu dịch vụ của Anh sang EU đã giảm 30%, cho thấy Brexit có tác động lớn hơn đối với hoạt động kinh doanh của Anh với châu lục.

Tình trạng thiếu hụt lái xe tải, lao động nông trại và công nhân lò mổ đã cho thấy những vấn đề phát sinh trong giai đoạn kết thúc quá trình di chuyển tự do của người lao động sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, Anh đã thành công trong việc áp dụng chế độ thị thực mới một cách suôn sẻ để ngăn chặn thiệt hại.

Nhận định về tình hình kinh tế Anh, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, thừa nhận các vấn đề cụ thể hiện tại có thể gây nguy cơ đối với triển vọng trung hạn, song khẳng định hiện chưa thể xác định tình hình này là do tác động của đại dịch hay do tác động của Brexit. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong khi Brexit ít nhiều đã ảnh hưởng tới mức sống của người dân, Anh cần thúc đẩy các nỗ lực để hàn gắn mối quan hệ với EU nhằm giảm thiểu các thiệt hại.

Minh Hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here